Top

Diễn biến thị trường XK gỗ và đồ gỗ của Việt Nam tháng 11/2007 (phần 3)

Cập nhật 22/01/2008 15:00


• Châu Âu: Nhu cầu tiêu thu gỗ plywood Trung Quốc giảm

Theo báo cáo của EUWID, nhu cầu tiêu thụ gỗ plywood trên thị trường châu Âu giảm kể từ những tháng mùa hè và đặc biệt giảm mạnh trong những tuần vừa qua. Gỗ plywood được chế biến từ gỗ poplar là loại gỗ chịu tác động nặng nề nhất của tình hình tiêu thụ giảm trong thời gian gần đây, dù cho nhu cầu tiêu thụ một số loại gỗ plywood khác của Trung Quốc cũng bắt đầu đi xuống. Nhu cầu tiêu thụ gỗ plywood trong tình hình hiện nay khiến cho những nỗ lực đẩy giá của các nhà sản xuất gỗ plywood Trung Quốc đều trở nên vô hiệu.

Mỹ: Triển vọng nâng cao khối lượng nhập khẩu gỗ cứng nhiệt đới

Mỹ là thị trường tiêu thụ các sản phẩm được làm từ gỗ nhiệt đới không lớn, mặc dù đây là thị trường vừa sản xuất, vừa tiêu thụ và nhập khẩu gỗ cứng lớn nhất trên thế giới. Năm 2006, nhập khẩu gỗ cứng vào thị trường Mỹ đạt kim ngạch 3,6 tỉ USD. Ước tính, trong tổng lượng gỗ cứng nhập khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ khoảng 30% là gỗ nhiệt đới.

Tuy nhiên, các loại gỗ nhiệt đới được sử dụng khá phổ biến trên thị trường, đặc biệt là thị trường đồ nội thất, sàn, kiến trúc, đóng tàu. Các loại gỗ nhiệt đới vẫn thường thành công trong cạnh tranh với các loại gỗ của Mỹ do những đặc tính vượt trội hơn và tính thẩm mỹ cao hơn. Các nhà nhập khẩu và các nhà phân phối trên thị trường Mỹ đều tỏ ra lạc quan về triển vọng nâng cao khối lượng nhập khẩu gỗ cứng nhiệt đới trong thời gian tới, dù cho các hoạt động xây dựng và thị trường bất động sản tại Mỹ hiện đang trong giai đoạn khó khăn.

Thúc đẩy nhập khẩu các sản phẩm gỗ nhiệt đới từ Trung Quốc

Nhập khẩu gỗ cứng vào thị trường Mỹ năm 2006 tăng phần lớn là do tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ từ những nước như Trung Quốc, Braxin và Indonesia. Rất nhiều các sản phẩm gỗ cứng được tiêu thụ trên thị trường Mỹ đã được chuyển hướng từ tiêu thụ các sản phẩm nội địa, sang tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm gỗ plywood, flooring và moulding.

Nhập khẩu các sản phẩm này ngày càng tăng trưởng mạnh do Trung Quốc liên tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong vài năm trở lại đây. Kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm gỗ nhiệt đới (không tính đồ nội thất bằng gỗ) vào thị trường Mỹ năm 2006 đạt khoảng 1,6 tỉ USD.

Các loại gỗ nhiệt đới được sử dụng khá phổ biến trên thị trường, đặc biệt là thị trường đồ nội thất, sàn, kiến trúc, đóng tàu. Trong một số ứng dụng của gỗ nhiệt đới, loại gỗ này còn có thể cạnh tranh trực tiếp với các loại gỗ nội địa khác trên thị trường Mỹ như gỗ oak, maple, birch và cherry.

Đặc biệt đối với ngành công nghiệp đóng tầu, sử dụng gỗ nhiệt đới có rất nhiều ưu điểm. Các loại gỗ nhiệt đới vẫn thường thành công trong cạnh tranh với các loại gỗ của Mỹ vì những đặc tính vượt trội hơn và tính thẩm mỹ cao hơn so với các loại gỗ nội địa.

• Nga: Rosleshoz đề nghị tăng thuế xuất khẩu gỗ tròn lên gấp 5 lần

Theo tin từ  Moskva, chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch tăng thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm gỗ tròn

Theo đề nghị này kể từ ngày 1/1/2009, mỗi mét khối gỗ súc xuất khẩu chưa qua chế biến sẽ tăng lên hơn 50 EUR. Theo các chuyên gia của Rosleskhoz, trong năm 2009 ngân quỹ của RF có thể thu thêm 18,2 tỉ EUR khi thuế hạn định dành cho xuất khẩu gỗ tròn có hiệu lực. Hiện tại, các nhà xuất khẩu đang trả 1,9 USD tại Nga trong khi họ phải trả 51 USD tại Phần Lan. Cũng theo Rosleshoz, tổng khối lượng xuất khẩu các loại gỗ súc chưa qua chế biến trong năm 2007 là 52 triệu m2.

Diễn biến thị trường xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam

Tháng 11/07, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 217,87 triệu USD, tăng 0,47% so với tháng 10/07, tăng 30,8% so với tháng 11/06. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng năm 2007 đạt 2,134 triệu USD, tăng 24,14% so với cùng kỳ năm 2006.

Ước cả năm 2007, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,365 tỷ USD, tăng 122,3% so với năm 2006 và dự báo kim ngạch sẽ tiếp tục tăng trong năm 2008.


Tháng 11/07, những thị trường chính xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn là Mỹ, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, Đức và Pháp.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tháng 11/07 đạt kim ngạch trên 83 triệu USD, giảm 8,52% so với tháng 10/07 nhưng vẫn tăng 34,66% so với tháng 11/06. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ chiếm tới 38,12% tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ 11 tháng năm 2007 đạt 855,148 triệu USD, tăng 27,76% so với cùng kỳ năm 2006 và chiếm 40% tỷ trọng.

Chủng loại gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tháng 11/07 lớn nhất là nội thất phòng ngủ đạt 44,1 triệu USD (chiếm 53,11% tỷ trọng) và nội thất phòng khách đạt 20,76 triệu USD (chiếm 25%) và ghế đạt 9,43 triệu USD (chiếm 11,4%).

Cơ cấu các chủng loại hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong tháng 11/2007 (Tỷ trọng tính theo kim ngạch)


Tiếp theo là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11/07 đạt 19,6 triệu USD, giảm 29,54% so với tháng 10/07, giảm 26,13% so với tháng 11/06. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản 11 tháng năm 2007 đạt 277,436 triệu USD, tăng 10,45% so với cùng kỳ năm 2006 và chiếm 13% tỷ trọng.

Về cơ cấu sản phẩm, với kim ngạch đạt gần 4,49 triệu USD, chiếm 23,5% tỷ trọng, nội thất phòng khách là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Nhật Bản. Tiếp đến là nội thất phòng ngủ cũng đạt trên 4,1 triệu USD, chiếm 21,5% tỷ trọng. Đứng thứ 3 là đồ nội thất văn phòng đạt 3,75 triệu USD, chiếm 19,6% tỷ trọng.

Đứng thứ 3 là thị trường Anh, tháng 11/07, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này tiếp tục tăng, đạt 16,64 triệu USD, tăng 24,37% so với tháng 10/07, tăng 75,18% so với tháng 11/06. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Anh qua 11 tháng năm 2007 đạt 173,98 triệu USD, tăng 40,94% so với cùng kỳ năm 2006, chiếm 8,15% tỷ trọng.

Về chủng loại gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường Anh có 4 loại đạt kim ngạch trên 2 triệu USD. Cụ thể, xuất khẩu nội thất văn phòng vào thị trường Anh là lớn nhất đạt 5,68 triệu USD, chiếm 34,15%; nội thất phòng ngủ đạt 3,94 triệu USD, chiếm 23,7%; ghế đạt 3,916 triệu USD, chiếm 23,5% và nội thất văn phòng đạt trên 2 triệu USD, chiếm 12,25%.

Tuy nhiên, trong số 10 thị trường đứng đầu về tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 11 tháng năm 2007 thì so với cùng kỳ năm 2006, thị trường Trung Quốc có mức tăng mạnh nhất tới 82,5%. Tháng 11/07, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 14,33 triệu USD, giảm 6,41% so với tháng 10/07 nhưng tăng 3,29% so với tháng 11/06. Và chủng loại xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc là dăm đạt 7,17 triệu USD, chiếm 50,2% tỷ trọng. Tiếp đến là gỗ đạt 4,49 triệu USD, chiếm 31,4%; nội thất phòng khách đạt 838.408 USD, chiếm 5,9%.

Ngoài những thị trường chính kể trên thì Canada, Hàn Quốc, Đức, Bỉ, Ý, Ba Lan, UEA, Nga, Áo cũng là những thị trường có tiềm năng xuất khẩu mạnh mặt hàng này. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Nga và Áo 11 tháng năm 2007 tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2006 lần lượt 280,9% và 268,59%. Và chủng loại mặt hàng xuất sang hai thị trường này tháng 11/07 cụ thể: xuất khẩu sang Nga chủ yếu là bàn máy vi tính, mỹ nghệ và khung hình. Xuất sang Áo là hàng rào chắn, ghế, mỹ nghệ, bàn, giường và kệ sách.

Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 và 11 tháng năm 2007


Diễn biến thị trường xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam tháng 11/2007 (phần 2).

Theo Tin Thương Mại