Top

Nhà đất TP HCM hạ nhiệt

Cập nhật 27/02/2008 17:00

Nhiều điểm môi giới nhà đất vắng khách, các sàn địa ốc bị giảm tỷ lệ giao dịch còn chủ đầu tư lo ngại sẽ không thể tiếp tục thực hiện dự án... là tình hình thị trường bất động sản TP HCM cuối tháng 2.

Đây cũng là những căn cứ khiến các chuyên gia ngành dự báo thị trường nhà đất sẽ tụt dốc trong thời gian tới.

Trong vòng một tuần qua, giao dịch nhà đất tại các sàn bất động sản, các điểm môi giới địa ốc thuộc quận 2, 7, 9, Tân Bình, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè đều rơi vào tình trạng rao bán nhiều hơn mua vào.

Nhân viên môi giới tại sàn giao dịch nhà đất trên đường Trần Não, quận 2 cho biết: "Gần nửa tháng sau Tết chỉ có vài hợp đồng giao dịch thành công, giảm sút rõ rệt so với trước Tết Nguyên đán". Dù lượng hàng tung ra nhiều, nhưng người mua lại không có mấy trong thời điểm đáng lý ra địa ốc phải rất nóng bỏng như thường lệ hằng năm.

Các công ty môi giới địa ốc dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc khu Nam Sài Gòn và huyện Nhà Bè, tuần qua số hợp đồng được ký kết cũng chỉ tính trên đầu ngón tay, dù lượng rao bán trung bình từ 20-30 sản phẩm mỗi ngày.

Trung tâm giao dịch bất động sản Ruby Center, quận Tân Phú, cũng vắng khách từ mùng 6 Tết đến nay. Đại diện Ruby Center cho biết, tâm lý nhà đầu tư đang bị dao động từ các chính sách nhà nước nên lượng khách hàng tìm hiểu về các dự án mới hoặc nhờ sang tay hợp đồng nhà đất cũ giảm nhiều.

Thậm chí nhiều chủ đất đang treo biển bán cũng ngạc nhiên trước lượng khách đến hỏi giá giảm dần. Một chủ đất ở huyên Bình Chánh, TP HCM cho biết: "Tôi treo biển bán đất từ cuối năm 2007, một ngày tệ nhất cũng có cả chục khách và cò đất đến hỏi giá. Đột nhiên một tuần nay chỉ lác đác vài người".

Trao đổi với báo giới chiều 26/2, Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức Lâm Văn Chúc khẳng định, tình trạng bán nhiều hơn mua là tác dụng phụ từ chính sách tăng lãi suất của ngân hàng.

Chuyên gia này phân tích, ngân hàng đã tăng lãi suất trung bình 0,9% mỗi tháng. Các doanh nghiệp bất động sản hiện nay chịu mức lãi suất nhà băng khoảng 2% một tháng, bán sản phẩm không được thì chỉ còn cách chuyển nhượng dự án. Còn khách hàng cũng vậy, phải cậy thế nhà băng hỗ trợ mới mua nổi nhà. Ông Phúc cho rằng việc tăng lãi suất sẽ làm xơ cứng thị trường nhà đất nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Đồng quan điểm với ông Chúc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng kinh doanh nhà TP HCM Nguyễn Văn Khởi nhận định: "Địa ốc đầu năm xem ra dữ nhiều lành ít, vì hàng loạt thông tin điều chỉnh chính sách của nhà nước sẽ làm trầm lắng thị trường chung".

Theo ông Khởi, tác hại dây chuyền của việc "đóng băng" nguồn tài chính từ ngân hàng là hàng loạt doanh nghiệp không thể tiếp tục dự án. Sắp tới đây, theo ông Khởi, lợi ích của thị trường bất động sản sẽ thuộc về doanh nghiệp nước ngoài - có lợi thế về vốn hơn trong nước. Nguy cơ khó tránh khỏi, theo ông, là tình trạng độc quyền và nâng giá nhà đất lên cao hơn nữa, vì các tập đoàn bất động sản nước ngoài sẽ gom hết quỹ đất của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Lương Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn Gia Định đề nghị, không nên khắt khe đối với chủ đầu tư có dự án khả thi, có khả năng hoàn vốn tốt. Nhà băng càng không nên hạn chế tín dụng đối với người thu nhập thấp vay 300-400 triệu đồng mua nhà trả góp.

Nhiều chuyên gia dự báo về tình hình chung của thị trường nhà đất trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ bỏ cuộc vì thiếu vốn và hiện tượng chuyển nhượng dự án sẽ rầm rộ hơn nếu ngân hàng cứ xiết chặt tín dụng như hiện nay.

Theo VnExpress