Bộ Xây dựng vừa có công văn hướng dẫn Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận về xử phạt vi phạm đối với những trường hợp sử dụng nhà ở sai mục đích.
Theo đó, nhà ở nhưng lại được sử dụng trái mục đích thì có thể bị phạt 20-30 triệu đồng. Hướng dẫn của Bộ Xây dựng lập tức khiến dư luận xôn xao bởi tình trạng nhà ở dùng vào kinh doanh, buôn bán đã quá phổ biến ở tất cả địa phương trên cả nước.
Ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố, đô thị, việc người dân có nhà mặt tiền rồi tận dụng để kinh doanh (cho thuê hoặc tự đứng ra mở tiệm) rất phổ biến, nếu không nói là gần như 100%. Đơn cử sáng 6-5, chỉ trên đoạn phố dài 200 m tại đường số 8, phường Bình An, quận 2 (TP.HCM), chúng tôi đếm có gần 40 căn nhà mặt tiền thì tất cả đều là cửa hàng, cửa hiệu. Cho nên nếu căn ke theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì hàng triệu người sở hữu nhà, nhất là ở các đô thị sẽ bị phạt bất cứ lúc nào.
Sử dụng sai mục đích là vi phạm
Theo Bộ Xây dựng, tại khoản 4 Điều 52 Nghị định số 23/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; quản lý phát triển nhà và công sở… quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nhà ở trái mục đích quy định”.
Trong khi đó, theo Luật Nhà ở 2005, nhà ở được định nghĩa là “công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”.
Hầu hết những căn nhà mặt phố đều được sử dụng làm mặt bằng kinh doanh như thế này. Ảnh: THU HƯƠNG
|
Căn cứ quy định tại Nghị định 23/2009, Bộ Xây dựng hướng dẫn chỉ những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở mới bị xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 30 triệu đồng). Đối với những trường hợp vừa kinh doanh, sản xuất vừa ở thì có thể xem xét không xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giải thích thêm: Về nguyên tắc, dù là căn hộ chung cư hay nhà ở riêng lẻ thì chức năng đều là để ở, đã được tính toán theo quy hoạch khu vực ở. Việc sử dụng sai công năng nhà ở thành kinh doanh thương mại dịch vụ, sản xuất… là vi phạm. Thiết kế nhà ở hoàn toàn khác biệt với trường học, nhà hàng, bệnh viện, văn phòng… nên việc tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang mục đích khác là không phù hợp. Ngoài ra, sử dụng nhà ở sai mục đích còn làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng, an toàn, vệ sinh, phòng chống cháy nổ… “Do đó, văn bản của Bộ Xây dựng cho rằng nếu nhà để ở mà sử dụng sai mục đích là vi phạm, nếu căng theo luật có thể bị phạt theo quy định Nghị định 23/2009 là hợp lý” - ông Tuyến nói.
Sẽ kiện tới cùng nếu bị phạt
Tuy vậy, hầu hết những người có nhà ở và tận dụng cho thuê nguyên căn hoặc một phần để làm cơ sở kinh doanh, sản xuất, buôn bán đều phản ứng với quy định trên.
Do có nhà ở mặt tiền đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), chị Huỳnh Thúy Diễm tận dụng phía trước làm văn phòng bán vé máy bay nhiều năm nay. Chồng chị bệnh không đi làm kiếm tiền được nên toàn bộ chi phí cho gia đình gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ đều trông cả vào thu nhập từ đây. Trước thông tin nhà ở nhưng lại được sử dụng làm văn phòng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất thì có thể bị phạt 20-30 triệu đồng, chị Diễm rất bức xúc: “Không riêng tôi, phần lớn người có nhà mặt tiền đường cũng tận dụng để kinh doanh hoặc cho thuê làm văn phòng hết. Nếu mấy ông ấy muốn phạt sao không có quy hoạch trước đây chỉ là khu nhà ở, cấm kinh doanh, sản xuất? Nếu có quy hoạch sẵn mà ai vi phạm thì phạt mới là hợp lý, hợp tình”.
Cũng theo chị Diễm, khi mở văn phòng kinh doanh, chị đã đăng ký và đóng thuế đàng hoàng, đầy đủ cho Nhà nước theo đúng quy định. “Việc tôi tận dụng nhà ở mở phòng vé là chính đáng, không trái pháp luật, không ảnh hưởng xấu đến cộng đồng thì mắc gì lại phạt” - chị Diễm nói.
Kế nhà chị Diễm là nhà bà Bích Hà. Nhà chỉ có hai vợ chồng, không sử dụng hết diện tích nên bà Hà cũng tận dụng mặt tiền tầng trệt cho một công ty tư vấn xây dựng thuê theo năm. “Vợ chồng tôi cũng già rồi, lại không có lương hưu như người ta nên mới mua lại căn nhà mặt phố để cho thuê lấy tiền sinh sống. Tôi mua nhà mặt tiền là có mục đích để cho thuê. Nếu Nhà nước mà phạt vô lý như vậy, tôi sẽ kiến nghị tới cùng” - bà Hà cho biết.
Anh Phan Hưng (quận 2, TP.HCM) có căn nhà ở đường Trần Não nhưng không ở do đang ở với cha mẹ tại một chung cư trong khu An Phú-An Khánh. Căn nhà trên anh cho một ngân hàng thuê mở chi nhánh, hợp đồng thuê dài hạn. “Tôi nghĩ nếu Bộ Xây dựng đưa ra quy định phạt thì cần phải nói rõ là phạt đối tượng nào, đối tượng có nhà ở chung cư, cao ốc hay nhà ở riêng lẻ. Nếu quy định trên áp dụng vào chung cư là hợp lý bởi tôi thấy công ty, văn phòng đặt lẫn trong chung cư rất ồn ào, phức tạp, khó quản lý do có quá nhiều người ra vô giao dịch” - anh Hưng nói.
Chấn chỉnh là việc không dễ
Để quản lý, chấn chỉnh tình trạng nhà ở đã được phân bố theo quy hoạch là để ở nhưng lại sử dụng vào mục đích khác là việc không dễ. Hiện tượng nhà để ở, đặc biệt nhà ở riêng lẻ biến thành nhà hàng, phòng khám, trường học, siêu thị mini… xảy ra khá phổ biến tại TP.HCM. Một trong những lý do là ngành đăng ký kinh doanh quy định độc lập với ngành quản lý nhà ở, chỉ cần có địa chỉ là được cấp giấy phép kinh doanh, không xét trong giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở của công trình này có chức năng có phù hợp hay không.
Ông QUÁCH HỒNG TUYẾN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: