Từ năm 2000, TPHCM đã có quyết định tăng diện tích công viên cây xanh công cộng đô thị lên 6-7 m²/người vào năm 2010 nhưng đến nay mới chỉ đạt mức chưa đến 1 m²/người
“TPHCM bây giờ nóng bức, ngột ngạt quá!”.Nhiều người khi đến TPHCM đều có chung nhận định này. Đúng là hiện nay khói xe, bụi đường, tiếng ồn... đã làm nhiều người nhăn mặt khi đến TP.
Song có lẽ người dân đã không phải “khó thở” như hiện nay nếu kế hoạch xanh của TP đề ra từ năm 2000 không bị phá sản.
Việc mở đường Trương Định xuyên qua Công viên Tao Đàn vô tình làm teo tóp mảng xanh vốn đã ít ỏi ở khu vực nội thành TPHCM |
“Nợ” 5-6 m²/người!
Quy hoạch mạng lưới công viên cây xanh đến năm 2010 đã được UBND TPHCM phê duyệt theo Quyết định 661/QĐ-UB-ĐT ngày 26-1-2000. Theo đó, chỉ tiêu diện tích công viên cây xanh đô thị đến năm 2010 phải đạt bình quân 6-7 m²/người (không kể cây xanh đường phố, cây xanh cách ly KCN, cây xanh khuôn viên nhà ở).
Chỉ vài ngày nữa là bước sang năm 2010 nhưng Phòng Quản lý Cây xanh thuộc Sở GTVT lại đưa ra một con số giật mình: Chỉ tiêu trên mới đạt chưa đến 1 m²/người.
TPHCM thuộc loại đô thị đặc biệt, tuy nhiên chỉ tiêu đất cây xanh trên đầu người chưa bằng đô thị loại V.
Theo quy định tại Quyết định 01/2006/QĐ-BXD ngày 5-1-2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên của đô thị đặc biệt là 7-9 m2/người, đô thị loại I-II : 6-7,5 m²/người, loại III-IV: 5-7 m²/người, loại V: 4-6 m²/người.
TPHCM thuộc loại đô thị đặc biệt, tuy nhiên chỉ tiêu đất cây xanh trên đầu người chưa bằng đô thị loại V. Theo quy định tại Quyết định 01/2006/QĐ-BXD ngày 5-1-2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên của đô thị đặc biệt là 7-9 m2/người, đô thị loại I-II : 6-7,5 m²/người, loại III-IV: 5-7 m²/người, loại V: 4-6 m²/người. |
Vườn trong TP
Mới đây, bức tường trụ sở làm việc của Sở GTVT TPHCM (đường Lý Tự Trong, quận 1) đã chuyển từ xám sang xanh. Một hàng trúc được trồng dọc theo chân tường. Ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Cây xanh, cho biết chỉ một thời gian ngắn nữa, dây leo lớn kết hợp với hàng trúc sẽ phủ xanh bức tường này. Đây là mô hình tạm gọi là “bức tường xanh” được mang từ Singapore về.
Lâu nay, người dân TP đã quen cảnh những vỉa hè nhếch nhác, vỡ nát. Song vài tháng qua, ai cũng thích khi hàng loạt vỉa hè như ở đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1), Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), 3 Tháng 2 (quận 10)... đã được phủ hoa cỏ. Đây có thể xem là một đột phá của TP về công tác cải tạo mảng xanh trong năm 2009.
Theo tổng hợp của Phòng Quản lý Cây xanh, tính đến thời điểm này đã và đang phủ hoa cỏ gần 28.000 m² vỉa hè các quận 1, 3, 5, 10. Ngoài ra, cũng đã có gần 13.000 m² đất phủ cây xanh ở các khu vực công trình cầu như cầu vượt An Sương, Tân Thới Hiệp, Ngã Tư Ga, Tân Thuận 1...
Theo Sở GTVT, từ nay đến năm 2025 sẽ tận dụng tối đa không gian đô thị để phát triển diện tích cây xanh theo phương châm “có đường có cây, có đất có công viên”. Tiếp tục trồng thêm cây xanh ở những tuyến đường chưa có cây. Đối với các tuyến đường có vỉa hè hẹp sẽ trồng dây leo trụ, trồng cây trong chậu.
Mô hình bức tường xanh đang được Sở GTVT TPHCM thí điểm ngay chính trụ sở của mình |
Đặc biệt việc nới rộng mảng xanh sẽ được gắn kết với các chương trình chỉnh trang đô thị của TP như cải tạo kênh rạch, mở rộng đường sá, xóa bỏ khu dân cư lụp xụp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm, chợ đầu mối... để trồng cây xanh. Nếu làm tích cực, đến năm 2025, diện tích công viên cây xanh TP sẽ đạt 4,5 m²/người.
“Tất cả những giải pháp này đều hướng đến giấc mơ “vườn trong TP”. Singapore như một TP trong vườn, còn chúng ta đang hướng đến cấp độ thấp hơn là vườn trong TP”- một chuyên gia ngành công viên cây xanh nói.
Cảnh sát Môi trường bảo vệ cây xanh
TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM, khẳng định công tác hậu kiểm về mảng xanh của TP quá yếu và chúng ta đang “đánh trống bỏ dùi”. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư xây dựng khu dân cư không bảo đảm tiêu chuẩn mảng xanh như thiết kế vẫn không bị xử phạt.
Đối với việc một số người dân âm thầm “giết” cây trước nhà, một cán bộ của Công ty Công viên Cây xanh cho biết việc xử phạt gần như không thể vì không bắt được quả tang, nếu bắt được quả tang thì quy trình xử lý cũng rườm rà, ít hiệu quả. TS Chế Đình Lý cho rằng việc xử phạt nên giao cho lực lượng có nghiệp vụ hơn là cảnh sát môi trường. Bởi bảo vệ cây xanh cũng là bảo vệ môi trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: