Top

Đất cho giao thông sẽ tăng gấp đôi

Cập nhật 26/08/2009 08:35

Đại lộ động - tây tại ngã ba Cát Lái, Q.2, TP.HCM đoạn giao với đường Nguyễn Thị Định - Ảnh: Mai Vinh.
 

Để hình thành các đô thị vệ tinh theo bốn hướng là đông bắc, nam - đông nam, bắc - tây bắc và tây nam, dự thảo báo cáo về chương trình phát triển đô thị TP.HCM cho biết cần phát triển rất nhiều dự án giao thông nhằm kết nối giữa các khu vực, giảm áp lực cho khu trung tâm.

Trong giai đoạn 2001-2008 TP chủ yếu cải tạo, nâng cấp và chống xuống cấp hệ thống cầu đường nhưng hiện nay từng bước chuyển sang đầu tư, xây dựng các công trình mới.

Quỹ đất giao thông chỉ chiếm 7%

Đổi đất lấy hạ tầng

Khẳng định trách nhiệm phát triển giao thông, hạ tầng đô thị thuộc về Nhà nước nhưng dự thảo báo cáo đề xuất: cần có giải pháp linh hoạt về vốn và cách thực hiện, nên xã hội hóa để thu hút vốn đầu tư trong xã hội, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư... để triển khai các dự án.

Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải cho rằng cơ quan chức năng cần tính đến giải pháp “lấy đất đổi hạ tầng” như một vài dự án đã làm.

Ngoài việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường mới để có vốn làm đường, TP có thể xem xét việc “nhượng quyền” cho các nhà đầu tư một số khu đất “vàng” ở nội thành, đất ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm để họ khai thác. Đổi lại, TP sẽ có các dự án giao thông quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo dự thảo báo cáo đã nêu, TP.HCM sẽ xây dựng, phát triển hệ thống giao thông đường bộ thành một đầu mối giao thông vùng, gồm hệ thống các đường trục chính, kết nối với giao thông đường sắt, đường thủy, hàng không để hình thành “bộ khung cơ sở” cho sự phát triển của TP trong tương lai. Hệ thống này cũng kết nối với các khu đô thị vệ tinh và các khu vực kinh tế đặc thù để hỗ trợ phát triển và khai thác thế mạnh về kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP cũng ưu tiên phát triển hiện đại, đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và mục tiêu đến năm 2020 là hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vành đai. Xem việc phát triển vận tải hành khách công cộng là một trong những công việc cần phải làm nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của một TP 10 triệu dân. Hai cảng Cát Lái (quận 2) và Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) được xem là cụm cảng chính phục vụ trực tiếp việc xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển của TP.

Hiện TP.HCM có một sân bay duy nhất là sân bay Tân Sơn Nhất, lớn nhất cả nước, công suất phục vụ từ 15-17 triệu lượt hành khách mỗi năm, nhưng sân bay này không thể mở rộng thêm. Theo quy hoạch, sân bay quốc tế Long Thành tại huyện Long Thành (Đồng Nai), cách TP.HCM khoảng 40km theo hướng đông bắc có thể vận chuyển đến 70 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Định hướng phát triển là vậy nhưng thực tế quỹ đất dành cho giao thông hiện nay chỉ chiếm 7% trong tổng diện tích đất, trong khi theo yêu cầu phải đạt từ 12-25%. Đáng nói là diện tích đất dành cho giao thông tại các khu vực so với diện tích đất đô thị có sự chênh lệch lớn, ở ngoại thành chỉ bằng khoảng 10% so với khu vực nội thành. Mật độ đường giao thông bình quân đạt 1,42km/km2, trong khi chỉ tiêu đến năm 2020 phải đạt từ 4-6km/km2. Một chuyên gia về giao thông nhận định quỹ đất dành cho giao thông của TP như vậy là quá thấp, ở nhiều nước tỉ lệ này bình quân là 20%.

“Bộ khung cơ sở”

Để tăng quỹ đất dành cho giao thông, một số giải pháp đã được cơ quan chức năng đưa ra: hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, nâng cấp các trục đường xuyên tâm và hướng tâm, phát triển đường nối các khu đô thị vệ tinh, đường giao thông hiện đại như đường sắt nội ô, đường trên cao, metro (tàu điện ngầm).

Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng để giải quyết ùn tắc giao thông, một trong những giải pháp quan trọng là tăng diện tích đất loại này. Nhưng với điều kiện khu vực nội thành TP hiện nay thì việc giải tỏa sẽ rất khó khăn và tốn kém chi phí.

Trước mắt cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc cải tạo giao lộ ở các trục đường thường xuyên tắc nghẽn giao thông bằng cách mở rộng giao lộ hoặc xây dựng cầu vượt. Việc mở rộng đường ở nội thành nên hạn chế và chỉ tập trung ở các tuyến số lượng phương tiện lưu thông cao, thường xuyên kẹt xe.

Còn theo PGS.TS Phạm Xuân Mai - Trường đại học Bách khoa TP.HCM, mạng lưới giao thông tại TP hiện nay không đồng bộ, phần lớn thiếu kết nối và các chỉ tiêu về giao thông đều thấp so với yêu cầu phát triển. Các tuyến cửa ngõ của TP như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 22, quốc lộ 1A... đang hoặc sắp bị quá tải do xe cộ lưu thông ngày càng nhiều.

Việc xác định mở rộng không gian đô thị ra bốn hướng và hình thành các khu đô thị vệ tinh là phù hợp, nhằm giảm áp lực cho khu đô thị hiện hữu, trong đó phát triển giao thông mặt đất là quan trọng nhất. Ông Mai cũng lưu ý: để các khu đô thị vệ tinh phát triển thì mỗi hướng phải có một tuyến xa lộ chính với quy mô ít nhất 12 làn xe, song song đó là các tuyến giao thông khác như metro, đường sắt... Đồng thời TP cũng phải tính đến các tuyến vành đai, các đường nhánh để kết nối với xa lộ. Đó là “bộ khung cơ sở” cho hệ thống giao thông, giúp TP phát triển nhanh.
 

* TP.HCM hiện có 3.250 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 3.000km (tăng trên 1.100km so với năm năm trước).

* Mật độ đường: 0,4km/1.000 dân.

Bỏ quên không gian ngầm

Dự thảo báo cáo chương trình phát triển đô thị của TP.HCM nhận định: nhìn chung việc mở rộng không gian thời gian qua phát triển theo quy hoạch chung. Tuy nhiên, định hướng phát triển chủ yếu tập trung không gian trên mặt đất mà bỏ quên không gian ngầm đô thị. Thực trạng bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai thi công, xây dựng và cải tạo các công trình, đặc biệt là các công trình giao thông, dẫn đến tình trạng “đào lên lấp xuống”.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO