Top

Cầu Sài Gòn 2 khởi công vào đầu tháng 9?

Cập nhật 15/05/2009 08:25

Ông Nguyễn Thành Thái - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) khẳng định ngày 9-9 tới, PMC sẽ khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa trình duyệt thiết kế cơ sở, phương án tài chính...

Có kịp khởi công vào đầu tháng 9?

Từ đầu năm 2008, PMC được UBND TP giao nghiên cứu đầu tư cầu Sài Gòn 2. Theo UBND TP, cây cầu này phải hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2010 để san sẻ lưu lượng xe cho cầu Sài Gòn hiện hữu khỏi quá tải.

Ngày 13-5, một lãnh đạo cấp phòng của Sở GTVT cho biết dù đã nhiều lần bàn thảo nhưng PMC và đơn vị tư vấn thiết kế vẫn chưa trình được bản thiết kế cơ sở cuối cùng, dự kiến vốn đầu tư, tiến độ thi công dự án của cầu Sài Gòn 2 để cơ quan chức năng thẩm định. Nếu hết tháng này PMC vẫn chưa trình được các nội dung trên thì có khả năng dự án cầu Sài Gòn 2 sẽ không được giao cho PMC làm chủ đầu tư nữa. Mọi chi phí cho nghiên cứu đầu tư, tư vấn thiết kế, tính toán... PMC phải hoàn toàn gánh chịu.

Cầu Sài Gòn 2 là công trình trọng điểm, thuộc nhóm A, đầu tư theo hình thức BOT. Theo tính toán sơ bộ của PMC, tổng mức đầu tư 1.420-1.872 tỷ đồng.

Theo quy định, nếu tổng mức đầu tư được PMC “chốt” lại dưới 1.500 tỷ đồng thì sẽ do UBND TP (ủy quyền cho Sở GTVT) thẩm định thiết kế cơ sở, từ trên 1.500 tỷ đồng thì Bộ GTVT sẽ thẩm định. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra thì thời gian thẩm định sẽ lâu hơn. Khi chưa có thiết kế cơ sở được thẩm định thì PMC không thể triển khai các bước tiếp để làm cơ sở pháp lý, kỹ thuật cho việc khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2 vào thời điểm như ông Thái tuyên bố.



Cầu Sài Gòn hiện luôn quá tải.


Ba cây số, hai công trình thu phí


Theo kế hoạch, trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội cho dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ trước đây sẽ ngưng thu vào cuối năm 2013. Nhưng vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã ký hợp đồng ứng vốn 1.000 tỷ đồng cho TP để xây dựng cầu Rạch Chiếc mới. Đổi lại, CII được quyền thu phí trên xa lộ Hà Nội thêm 12 năm nữa, bắt đầu từ 1-1-2014. Như vậy, trên đoạn đường ngắn chưa tới 3 km từ cầu Sài Gòn trở ra cầu Rạch Chiếc có hai công trình cùng phải thu phí để hoàn vốn đầu tư của CII và PMC.

Nếu CII và PMC thu phí chung tại trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội đang dời ra ngoài cầu Rạch Chiếc thì tỷ lệ, cách chia phí thu được thực hiện như thế nào? Mặt khác, nếu thu gộp cho hai công trình thì mức phí sẽ phải tăng lên hoặc kéo dài thời gian thu. Phương án này sẽ khó được người dân chấp nhận.

Trường hợp PMC thu phí riêng tại điểm như tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội hiện nay để hoàn vốn cho cầu Sài Gòn 2, ông Dương Quang Châu, Phó Giám đốc CII, cho biết sẽ gây khó khăn đến dự án mở rộng xa lộ Hà Nội của CII.

Theo ông Nguyễn Thành Thái, việc thu phí như thế nào là do UBND TP quyết định. “Chúng tôi chỉ huy động vốn, kỹ thuật để sớm thực hiện việc xây dựng cho TP cầu Sài Gòn 2!”.

Không khấp khểnh cầu cũ, mới

Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT, cầu Sài Gòn 2 được xây dựng nằm bên tay phải, theo hướng từ trong nội thành ra, chạy song song và cách cầu Sài Gòn hiện hữu 3 m. Về kết cấu các mố, trụ trên bờ và trụ dưới sông phải trùng với các hạng mục này của cầu cũ để bảo đảm khoảng không thông thuyền và các đường chui dưới cầu phía quận Bình Thạnh và quận 2 không bị ảnh hưởng. Mặt cầu mới phải cao bằng mặt cầu cũ để không tạo ra cảnh khấp khểnh như ở cầu Bình Triệu 1 và 2, Nhị Thiên Đường 1 và 2. Sau khi hoàn thành, cầu Sài Gòn 2 dành cho làn xe từ trong nội thành đi ra, cầu cũ dành cho đi vào và phần dành cho xe máy ở hai bên cầu cũ và mới sẽ được mở rộng từ 3 m hiện hữu lên 5,5 m hoặc hơn 6 m.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP