Top

Mong manh quyền lợi khách hàng

Cập nhật 13/06/2013 13:56

Thị trường đóng băng, dự án ngưng trệ khiến không ít khách hàng bức xúc gửi đơn khiếu kiện chủ đầu tư. Tuy nhiên, cơ hội khách hàng được đền bù thỏa đáng rất mong manh.

Kiện nhau ra tòa

Ông Phùng Anh Tuấn, ngụ Biên Hòa, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở với CTCP Đồng Nai tại dự án khu dân cư phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) 1 nền đất 84m2 với tổng số tiền 637 triệu đồng, đến nay ông Tuấn đã nộp cho công ty gần 500 triệu đồng nhưng vẫn chưa được bàn giao nền như cam kết.

Đặc biệt, hạ tầng dự án hầu như chưa triển khai gì. Không chỉ ông Tuấn mà nhiều khách hàng mua đất tại đây đã yêu cầu chủ đầu tư phải nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, bàn giao nền và bồi thường tiền chậm bàn giao nền như cam kết trong hợp đồng.

Khi thị trường BĐS trì trệ, sản phẩm bán được quá ít khiến chủ đầu tư không đủ tiền để tiếp tục triển khai dự án. Nhiều dự án ban đầu giãn tiến độ, sau đó đứng luôn và chẳng biết khi nào thi công trở lại. Sự nhẫn nại của khách hàng là có giới hạn, nên không ít người đã chọn giải pháp cuối cùng: kiện chủ đầu tư ra tòa.

Mới đây, TAND quận Tân Phú (TPHCM) thụ lý đơn của ông Trương Văn Tâm kiện Công ty Đại Thành (chủ dự án chung cư Đại Thành), đòi lại tiền vì chờ quá lâu không được công ty giao nhà. Ông Tâm cho biết cuối năm 2011, ông đăng ký mua 1 căn hộ ở chung cư Đại Thành với giá hơn 960 triệu đồng, thời hạn giao nhà vào năm 2012.

“Tiền giao gần hết nhưng giờ đã qua năm 2013 mà tôi vẫn chưa có nhà và công ty cũng thất hứa nhiều lần. Đến tìm hiểu mới biết phần thô của dự án chung cư vẫn chưa xây xong, công trình gần như không hoạt động” - ông Tâm nói.

Nhiều khách hàng của Đại Thành cũng rơi vào tình cảnh tương tự. 2 năm qua họ luôn ở trong tình trạng bất an vì vay tiền ngân hàng mua nhà, nhưng nhà chẳng thấy đâu trong khi lãi mẹ đẻ lãi con. Theo thống kê của khách hàng, công ty đã ứng trước của họ khoảng 500 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay khách hàng cũng không thể nào tìm, hẹn gặp được người có thẩm quyền của Công ty Đại Thành để yêu cầu giải quyết việc liên quan.

Khi thiếu vốn, nhiều khách hàng ngưng đóng tiền, chủ đầu tư đành cho dự án "đóng băng". Ảnh: LONG THANH

Cùng tình cảnh, anh Trần Văn Vinh mua căn hộ của Công ty Tín Phong (quận 12) cho biết công ty đã trễ hẹn giao nhà gần 1 năm. Điều khiến anh không thể ngồi yên là gần 1 năm nay dự án đã bị trùm mền, chưa biết khi nào khởi động lại.

Tương tự, anh Trần Công Danh mua 1 căn hộ diện tích 120m2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) của một doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực BĐS vào năm 2009 với giá 3,2 tỷ đồng. Chủ đầu tư cam kết cuối năm 2010 bàn giao nhà, nhưng đến nay việc bàn giao vẫn chưa xong.

Trong khi đó căn hộ của anh hiện nay giao dịch chỉ khoảng 2 tỷ đồng vì thị trường xuống giá. Mới đây, anh Danh tiếp tục khiếu nại việc chậm bàn giao căn hộ và yêu cầu bồi thường tiền chậm bàn giao với số tiền gần 500 triệu đồng nhưng sự việc vẫn chưa ngã ngũ.

Chủ đầu tư “nắm cán”?

Tại TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, rất nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh nói trên. Tiền đã đóng cho chủ đầu tư nhưng chưa biết khi nào mới được nhận nhà, đất, trong khi tiền vốn, lãi ngân hàng hàng tháng vẫn đóng. Nhiều người đứng trước nguy cơ mất trắng vì lãi vay quá cao và khả năng trả nợ ngày càng khó khăn.

Luật sư Nguyễn Tấn Hải, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng trường hợp chủ đầu tư vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm theo những điều khoản 2 bên ký kết. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng dạng này quy định trong trường hợp chủ đầu tư chậm thi công, chậm giao nhà phải chịu trả lãi theo lãi suất ngân hàng. Nhưng thực tế số tiền mà chủ đầu tư chịu phạt rất bèo. Chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt trong thời gian dài để không giao nhà.

Có một thực tế đau lòng là hiện nay không ít dự án triển khai dở dang, chủ đầu tư không bán được hàng, tiền huy động của một số khách hàng cũng đã đổ hết vào dự án nên cả khách lẫn chủ đều chết trên đống tài sản.

Hàng loạt hệ lụy phát sinh từ đây, cay đắng hơn, trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, quy trình phá sản, thanh lý tài sản công ty ưu tiên giải quyết nợ cho Nhà nước như thuế, phí rồi đến nợ của các tổ chức tập thể rồi mới đến cá nhân...

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu Tư