Tiến độ công trình nóng lên cùng giá thép. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chỉ nội 2 tháng, thép tăng giá 6 lần. Nhiều công trình xây dựng kể cả thương mại lẫn nhà dân ở Hà Nội đang tăng tốc thi công để tránh chi phí đội thêm.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 1,9 triệu tấn giảm 7,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ lại đạt gần 2 triệu tấn, tăng 4,25%.
Bảng báo giá của Tổng công ty Thép Việt Nam ngày 23/4 cho thấy, loại thép cuộn F6 ở mức 10,090 triệu đồng mỗi tấn (chưa VAT). Thanh trơn F10 có giá 10,760 triệu đồng. Nhưng báo giá hơn một tháng sau đó, tổng công ty nâng loại cuộn F6 lên tới 10,590 triệu đồng còn thép trơn F10 đạt ngưỡng 10,910 triệu đồng.
Một đại lý thép trên đường Đê La Thành cho biết, trong vòng 3 tháng gần đây, lượng tiêu thụ thép tại cửa hàng tăng khoảng 20% so với đầu năm. Khách hàng chủ yếu quan tâm đến các thương hiệu Việt Úc, Thái Nguyên. "Mặc dù thép lên giá nhưng đối với các công trinh nhỏ lẻ, sự biến động này không quá lớn. Hơn nữa, tâm lý người dân thường muốn xây nhanh để tránh mùa mưa bão", vị chủ cửa hàng giải thích.
Thị trường vật liệu xây dựng nóng lên dường như lại là động lực để các công trình thi công khẩn trương hơn trước. Nhiều gia đình, hay các chủ dự án tổ hợp trung tâm thương mại, khu ở cho công nhân... đồng loạt khởi công. Mua được mảnh đất rộng hơn 400 m2 tại Vĩnh Phúc từ năm 2008, phải chờ đến năm nay mới hợp tuổi, anh Vũ Thành (Hà Nội) nhanh chóng bắt tay xây dựng tòa nhà 5 tầng với diện tích 400 m2 để cho thuê. Ở cửa hàng anh quen, trong vòng 2 tháng trở lại đây giá thép đã tăng khoảng 400.000 đồng mỗi tấn. Không có mặt bằng để chứa đồ, anh Thành đành bấm bụng thiếu đến đâu, mua vật liệu xây dựng đến đó. "Phải tranh thủ để tận dụng thời gian thúc ép công nhân làm nhanh vừa tránh mưa vừa tránh cơn bão giá tiếp theo", anh chia sẻ.
Mới đây, tổ hợp trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê - chung cư cao cấp Hoàng Gia cũng tuyên bố khởi công. Không chịu thua kém, trung tâm thương mại Savico Plaza Hà Nội với diện tích hơn 16.000 m2 rậm rịch xây dựng. Có lợi thế về vật liệu xây dựng do công ty mẹ cũng cấp, Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) cũng bắt tay xây nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh)...
Để tránh trường hợp giá tiếp tục biến động, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị "đâu vào đó", mua phôi thép từ khi chưa đắt lên. Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần SME Hoàng Gia, cho hay ngay từ khi nghe phong thanh giá thép có thể tăng, công ty ông đã rậm rịch mua hàng chục tấn cất trong kho dự trữ để "chờ ngày đẹp khởi công". "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các dự án lớn khác ở Hà Nội. Mua phôi thép từ khi giá ở mức khoảng trên dưới 400 USD nên cũng đỡ được nhiều chi phí", ông chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Savico Hà Nội, dù giá thép biến động, nhiều dự án sẵn sàng khởi công để đón đầu thị trường bất động sản hồi phục. "Đối với các dự án lớn phải mất vài ba năm mới hoàn thành. Đó cũng là khi thị trường hồi phục, các chủ đầu tư sẽ có ngay hàng để bán", ông Thọ nhận định.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng, giá thép và các dự án xây dựng có mối quan hệ tương hỗ. Nhiều dự án khởi công để đón đầu giá thép tăng. Và ngược lại, lượng tiêu thụ thép trong nước có chiều hướng phục hồi dẫn đến giá thép trong nước cũng tăng theo.
Trong hai tháng đầu năm, lượng sản xuất và tiêu thụ thép chỉ còn ở mức bằng một nửa trung bình mọi năm, nhiều doanh nghiệp bị lỗ. Từ tháng 4, chi phí phôi thép cũng như thép phế nhập khẩu tăng 15 - 30 USD mỗi tấn dẫn đến giá thép trong nước buộc phải tăng. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng xao động, tranh thủ chớp cơ hội khởi công tránh cơn bão giá tiếp theo. "Cầu tăng khiến các doanh nghiệp sản xuất thép tăng giá bán để bù lỗ trong khoảng thời gian qua", ông Cường nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: