Top

Công trình xanh: cần chính sách đúng

Cập nhật 30/10/2011 09:05


Một người tham dự hội thảo đang xem thông tin về Hội đồng Xanh Việt Nam tại buổi hội thảo ngày 28/10. Ảnh: Đình Dũng
Chính sách ưu đãi đi kèm với sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước là những yếu tố thúc đẩy xu hướng thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh các cao ốc mọc lên ngày càng nhiều tại các khu đô thị hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo FuturArc Forum ngày 28/10 tại TPHCM, ông Kevin Hydes, Tổng giám đốc Integral Group của Canada, nói rằng chi phí nguyên vật liệu tăng, yêu cầu bảo vệ môi trường và nhu cầu thị trường là những động lực thúc đẩy giới chủ đầu tư tìm kiếm các thiết kế xanh, tiết kiệm môi trường cho các tòa cao ốc của mình.

Tuy nhiên, ông Hydes cũng chỉ ra rằng mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng chưa cao bên cạnh việc thiếu tính liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện cuối cùng của dự án là trở ngại lớn hiện nay.

Cần tầm nhìn và sự liên kết

Hiện nay, để có một công trình xanh, chủ đầu tư phải tốn chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn trong khi hiệu quả từ công trình xanh lại đến sau thời gian dài.

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Trần Đình Thái, Vụ phó Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Xây dựng, cũng đồng ý rằng công trình có thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng đem lại lợi ích rất lớn nhưng chi phí đầu tư ban đầu rất cao, nhất là những công trình đã hoàn thành và nay muốn nâng cấp để tiết kiệm năng lượng hơn.

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng nếu chủ đầu tư có tầm nhìn xa, có thể chấp nhận chi phí ban đầu thì chi phí vận hành sau này sẽ giảm đi rất nhiều.

Ông Yannick Millet, Giám đốc điều hành Hội đồng Xanh Việt Nam, cho rằng với dự án mới, việc thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng sẽ không tốn thêm nhiều chi phí nếu như kiến trúc sư, kỹ sư và các đối tác liên quan cùng ngồi lại với nhau ngay từ đầu, cùng nhắm tới mục tiêu đưa ra giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà. Điều đó có nghĩa là cần có sự liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện cuối cùng của công trình.

Tuy nhiên, ông Millet nhấn mạnh rằng đây là một quá trình dài hơi, chứ không phải là tầm nhìn chỉ trong một hoặc hai năm. Ngoài ra, theo ông Miller, chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình thiết kế xanh và tiết kiệm năng lượng.

Cần chính sách đúng chứ không chỉ hỗ trợ bằng tiền

Liên quan đến chương trình tiết kiệm năng lượng, Singapore là nước đang làm rất quyết liệt với sự hỗ trợ rất thiết thực từ chính phủ nước này. Hiện Tổng cục Phát triển nhà của Singapore (BCA) đang vận hành một quỹ trị giá 100 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ các toà nhà từ cao ốc văn phòng và chung cư nâng cấp hệ thống tiết kiệm năng lượng. Chủ các tòa nhà có thể được hỗ trợ tới 35% tổng giá trị đầu tư nâng cấp tòa nhà.

Hiện BCA đã thực hiện được khoảng 25 triệu mét vuông, khoảng 12% tổng diện tích sàn xây dựng của nước này, và đang đặt mục tiêu sẽ nâng cấp, thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng cho 80% cao ốc của đảo quốc này vào năm 2030.

Ông Millet cho rằng chính phủ có thể can thiệp để giúp chương trình này phát triển nhưng không nhất thiết phải hỗ trợ bằng tiền mà bằng chính sách, chẳng hạn như cho phép chủ đầu tư tăng thêm diện tích sàn xây dựng khoảng 1% hoặc 2% thay vì dùng tiền để hỗ trợ. Đây là cách hỗ trợ gián tiếp mà một số nước đang áp dụng để khuyến khích các chủ đầu tư tham gia.

Ông Millet cho biết Hội đồng Xanh Việt Nam với tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh Lotus cũng đang có bốn dự án đang trong quá trình xây dựng và một số dự án đang làm hồ sơ.

Ông Thái của Bộ Xây dựng cho rằng hiện nay Nhà nước chỉ mới vận động, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng nhưng về lâu dài cần có chế tài, cộng với các quy chuẩn bắt buộc giới chủ đầu tư áp dụng cho công trình của mình, bên cạnh những chính sách ưu đãi.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG