Top

Sạt lở - Người dân “sống trong sợ hãi”. Bài 2:

Sổ đỏ còn, đất đã trôi sông

Cập nhật 17/07/2009 11:25

Năm căn nhà hơn 600m² ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè bị sạt lở một phần trôi xuống sông. Ảnh: L. Long.

Hậu quả nhãn tiền của tình trạng khai thác cát trái phép là số vụ sạt lở nghiêm trọng ngày càng tăng. Theo ước tính của người dân, với tốc độ như hiện nay, chỉ một thời gian nữa, nhiều khu vực như cánh đồng Bùng Binh, Rạch Bàng, Bà Ký… sẽ biến mất trên bản đồ địa chính của quận 9, TPHCM.

Một tháng 6 vụ sạt lở!

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TPHCM, năm nay, mới đầu mùa mưa bão, nhưng tình trạng sạt lở đã tăng đột biến và ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ trong vòng 1 tháng đã có ít nhất 6 vụ sạt lở bờ sông được ghi nhận, cuốn trôi gần 10.000m² đất, nhấn chìm hàng chục căn nhà dân, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng…

Mới đây, ngày 24-6, tại khu vực Bình Quới, bán đảo Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) lại xảy ra một vụ sạt lở, cuốn trôi khoảng 100m² đất, khoét sâu vào đất liền 10m. Trước đó không lâu, cũng tại khu vực này đã xảy ra 2 vụ sạt lở cuốn trôi 2 căn nhà bếp, lấn sâu vào đất liền 15m chiều rộng và kéo dài trên 30m.

Chỉ trong tháng 6-2009, 3 vụ sạt lở tại đây đã cuốn trôi xuống sông gần 1.000m² đất và nhà cửa của người dân. Theo ghi nhận, hiện khu vực này cũng đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt dọc bờ sông có nguy cơ sạt lở lan rộng sang các khu vực kế cận thuộc phường 26, quận Bình Thạnh.

Trong khi đó, người dân phường 26 vẫn chưa quên vụ sạt lở cách đây 2 năm đã làm 15 căn nhà mặt tiền đường Tầm Vu bất ngờ chuyển động kêu răng rắc rồi đổ sụp xuống dòng nước đang chảy xiết… Các vết nứt dọc theo bờ sông, cộng với nền đất yếu càng lan rộng từ 3 vụ sạt lở trên làm cho nhiều người dân đang sinh sống tại đây hoang mang, lo sợ nguy cơ xảy ra sạt lở bất kỳ lúc nào.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tình trạng khai thác cát trái phép, không theo quy hoạch trên các tuyến sông là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Khi các phương tiện bơm hút cát tại khu vực gần bờ sẽ làm xuất hiện hàm ếch ăn sâu vào đất liền. Do vậy, khi mùa mưa đến, dòng chảy mạnh và nhanh hơn nên những chỗ đất yếu bị sạt lở xuống sông là điều khó tránh khỏi.

Đất mất, tìm đâu?

Sạt lở không chỉ cuốn trôi nhà dân, mà hàng trăm hécta đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp của người dân cũng “biến mất” mỗi năm. Thống kê của cán bộ địa chính phường Long Phước cho thấy khu vực sạt lở nặng nề nhất trên địa bàn quận 9 là cánh đồng Bùng Binh, Rạch Bàng thuộc khu phố Trường Khánh, Lân Ngoài, nơi có đất tiếp giáp với sông Đồng Nai. Suốt chiều dài hơn 3km dọc bờ sông của cánh đồng Bùng Binh đã sạt lở nghiêm trọng lấn sâu vào đất liền hơn 120m, với khoảng hơn 40.000m² đất sản xuất bị sạt lở trôi xuống sông.

Anh Châu Văn Hoàng, Thanh tra xây dựng phường Long Phước cho biết, trước đây khu vực cánh đồng Bùng Binh có một bãi cát gọi là Cồn Cò, rộng hàng trăm mét, kéo dài vài cây số dọc theo bờ sông Đồng Nai, nhưng nay đã biến mất do sạt lở. Còn tại Rạch Bàng, trước đây khu vực này là cả một rừng dừa nước và một bờ đê rộng 8m cũng đã bị dòng sông cuốn trôi hết, nay sạt lở đã lấn sâu vào đất vườn nhà dân, nhiều nhà dân chỉ còn cách bờ sông 4 - 5m.

Theo UBND phường Long Phước, sạt lở nặng nhất là trong vòng mấy năm trở lại đây do tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ, với hàng ngàn mét khối cát bị lấy đi mỗi ngày đã khoét rỗng lòng sông. Và để bù đắp lại khoảng trống đó thì hàng chục ngàn mét vuông đất của người dân đang từng ngày đổ nhào xuống sông. Rất nhiều người dân hiện nay lâm vào tình cảnh chỉ còn sổ đỏ mà không còn đất do bị dòng nước cuốn trôi hết.

Mới đây, ông Dương Đình Khôi (khu phố Trường Khánh) bị sạt lở hơn 3.000m² đất và 3 hộ dân mua đất tại khu phố Lân Ngoài bị sạt lở khoảng 4.000m² đến báo với cán bộ địa chính phường nhờ can thiệp xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép gần bờ gây sạt lở, đồng thời nhờ hướng dẫn khôi phục lại diện tích đất bị sạt lở…

Theo cán bộ địa chính phường, nhiều trường hợp người dân nội thành ra mua đất, sau một thời gian trở lại thăm đất, nhưng tìm hoài không thấy đất ở đâu do khu đất đã sạt lở xuống sông Đồng Nai. Do phần lớn đất sạt lở là đất nông nghiệp nên người dân cũng ít đến trình báo với phường như 4 trường hợp trên. Hiện nay phường cũng chỉ hướng dẫn người dân tự làm kè để hạn chế sạt lở, còn việc có cho phép khôi phục lại diện tích đã sạt lở hay không còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng cấp trên.

Ngoài ra, dọc theo bờ sông Tắc, chảy qua các phường Trường Thạnh, Long Bình và Long Phước (quận 9) hiện nay cũng bị sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 10 – 20m, nhưng cũng có nhiều khu vực bị sạt lở lên đến 50m.

Người dân cho biết, mới đây tại khu phố Phước Thiện, phường Long Bình xảy ra một vụ sạt lở đất lấn sâu vào đất liền gần 30m và kéo dài trên 2 km đã làm cho hàng ngàn mét vuông đất tiếp tục trôi xuống sông.

Theo ước tính của người dân, với tốc độ sạt lở nghiêm trọng như hiện nay, chỉ trong một thời gian nữa, những khu vực như cánh đồng Bùng Binh, Rạch Bàng, Bà Ký… sẽ biến mất trên bản đồ địa chính của quận 9, TPHCM.

 

Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TPHCM, trong năm 2008 có 7 điểm bờ sông bị sạt lở, làm bị thương 4 người, thiệt hại 15 căn nhà. Một số trường hợp sạt lở nghiêm trọng trong năm 2008 được ghi nhận:

– Ngày 5-6, tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) một khu đất diện tích gần 5.000m² ven sông Sài Gòn bất ngờ sạt lở lấn sâu vào đất liền gần 20m, dài hơn 100m, kéo theo 2 căn nhà trị giá gần 2 tỷ đồng trôi xuống sông.

– Ngày 7-6, tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) sạt lở với chiều dài 80m, chiều sâu 8 - 11m làm thiệt hại 11 căn nhà, ước tính khoảng 370 triệu đồng.

– Ngày 20-6, tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) sạt lở hơn 3.000m² (dài 80m, sâu vào bờ 40m) làm 1 căn nhà trôi xuống sông và 4 công nhân bị thương.

 

>> Bài 1: Tận diệt lòng sông  

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng