Top

Xuất khẩu vật liệu: Nhọc nhằn cất bước ra đi

Cập nhật 20/11/2012 16:56

Xuất khẩu vật liệu xây dựng (VLXD) được chú trọng trong vài năm trở lại đây, khi năng lực sản xuất dư thừa và sức mua trong nước sụt giảm. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của VLXD Việt Nam được đánh giá là “giấc mơ xa”.
 

Tiêu thụ trong nước khó khăn, các DN VLXD buộc phải tìm hướng xuất khẩu, dù bị lỗ


Xi măng vẫn lỗ

Bi đát nhất vẫn là xi măng - mặt hàng được xem là “bánh mì” của ngành xây dựng. Hiện cả nước có 8 DN xuất khẩu xi măng, gồm 6 DN trong nước (VICEM, Hạ Long, Thăng Long, Cẩm Phả, The Vissai, Công Thanh) và 2 DN liên doanh (Chinfon và Phúc Sơn). Năm 2011, cả nước xuất khẩu được 6 triệu tấn clinker và xi măng. 10 tháng đầu năm 2012, con số này là 6,9 triệu tấn. Dù xuất khẩu tăng, nhưng các DN cho biết, đây chỉ là “giải pháp tình thế”. Hiện nguồn cung xi măng trong nước dư thừa quá lớn khi tiêu thụ trên 45 triệu tấn/năm, trong khi công suất thiết kế toàn ngành vào khoảng 65 triệu tấn/năm.

Nhiều dự án xi măng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư đều có một “mục” nho nhỏ là: phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết nhà đầu tư đều chia sẻ, mục xuất khẩu chỉ thêm vào cho “tăng phần hoành tráng”, chứ chưa bao giờ xuất khẩu được đưa vào bài toán cụ thể. Chính vì thế, xuất khẩu nhằm mục tiêu giải quyết đầu ra và thu ngoại tệ trả nợ, ngay như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng chưa bao giờ kỳ vọng xuất khẩu mang lại lợi nhuận.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV VICEM thẳng thắn: “Xuất khẩu hòa là tốt lắm rồi, chứ lãi thì hơi khó”. Xem ra, mục tiêu “hòa” đã là quá lớn lao đối với các DN xi măng, bởi những đơn vị xuất khẩu nhiều vẫn lỗ chồng chất như Cẩm Phả, Hạ Long, Thăng Long, thậm chí càng xuất càng lỗ. Thực tế, giá xuất khẩu clinker của các DN vào khoảng 36 USD/tấn, trong khi suất đầu tư trung bình cho 1 tấn xi măng theo phương pháp khô là 125 - 135 USD/tấn. Còn nếu chia theo nguồn vốn vay đầu tư thì ở mức 25 - 28 USD/tấn, cộng thêm chi phí sản xuất khoảng 30 - 32 USD/tấn, giá bán xi măng vào khoảng 55 - 60 USD/tấn mới đảm bảo hòa vốn.

Xuất khẩu xi măng không chỉ lỗ, mà giữa các DN còn có sự cạnh tranh gay gắt về giá theo kiểu “mạnh ai nấy chạy”. Vì thế, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề nghị thành lập Hiệp hội Các DN xuất khẩu xi măng, với hy vọng DN sẽ “chung mâm” chia sẻ khó khăn, giảm bớt cạnh tranh nội bộ, nhưng xem ra quá khó. Các DN vẫn trong tình trạng tự mò mẫm tìm đường xuất khẩu và bí mật thông tin.

Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng thị trường VICEM cho biết, kế hoạch xuất khẩu trong tháng sang thị trường nào, sản lượng bao nhiêu thì chỉ sau khi xuất xong mới công bố, nhằm tránh tình trạng DN nước ngoài ép giá, DN trong nước hạ giá giành khách hàng.

Gốm sứ, gạch… bị “thập diện mai phục”

Xuất khẩu gốm sứ cũng không khá hơn xi măng bao nhiêu, gạch thì càng bi đát. Nếu như Việt Nam đứng 5 trên thế giới về sản xuất xi măng, thì gốm sứ đứng vị trí thứ 6, nhưng đang bị “đè” bởi hàng Trung Quốc. Dù trong Top 10, nhưng so với Trung Quốc - nước sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới với gần 9 tỷ m2 gạch ốp lát và trên 100 triệu sản phẩm sứ vệ sinh/năm, chiếm gần 80% sản lượng toàn thế giới, thì năng lực sản xuất của Việt Nam chỉ khoảng 316 triệu m2 gạch ốp lát và khoảng 12 triệu sản phẩm sứ vệ sinh. Trung Quốc, với sản phẩm đa dạng và chiến dịch giá rẻ đã áp đảo thị trường toàn thế giới. Chẳng thế mà nhiều nước áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này của Trung Quốc, còn tại Việt Nam thì hàng lậu vẫn ùn ùn kéo về.

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ cho biết, đến hết tháng 7/2012, xuất khẩu gạch ốp lát và sứ vệ sinh chỉ đạt 64,4 triệu USD, bằng 37% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu lên tới 30 triệu USD, gần bằng 50% lượng xuất khẩu.

“Xuất khẩu gốm sứ không lỗ như xi măng, nhưng lãi không đáng kể. Gốm sứ xây dựng và gạch ốp lát đang bị hàng Trung Quốc o ép. Về chất lượng sản phẩm từ gạch, sắt thép, xi măng, gốm sứ, chúng ta không thua kém, nhưng xuất khẩu không chiếm được lợi thế”, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD nói.

Gạch bê tông khí chưng áp (AAC) không có cửa thoát cho thị trường trong nước, đành khăn gói tìm đường xuất khẩu, nhưng cũng không mấy dễ dàng. Hai thương hiệu lớn là V-Block và E-Block có lượng xuất khẩu chưa đạt 5% công suất thiết kế.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán