Top

Xong thủ tục pháp lý, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn có thể dừng

Cập nhật 13/08/2019 10:15

Chiều 12.8, UBND tỉnh Tiền Giang đã ký kết phụ lục hợp đồng BOT số 3 với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án (DA) cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) và liên danh các nhà thầu.

Dự án khởi công đến nay 10 năm nhưng luôn gặp nhiều trắc trở - ẢNH: BẮC BÌNH

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết phụ lục hợp đồng này là để điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư DA từ 9.668 tỉ đồng lên 12.668 tỉ đồng, tăng 3.000 tỉ đồng so lần điều chỉnh của Bộ GTVT năm 2017 và giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với lần điều chỉnh năm 2015 (14.678 tỉ đồng).

Theo ông Tuấn, sở dĩ tổng mức đầu tư DA tăng đến 3.000 tỉ đồng do UBND tỉnh chấp nhận việc thay đổi kỹ thuật thi công, vật liệu kết cấu mặt đường (hơn 500 tỉ đồng) từ đề xuất của nhà đầu tư; bổ sung thêm các công trình đường cầu vượt, hầm đường bộ... tại các nút giao với cao tốc. Đây là các hạng mục công trình tỉnh đã đề xuất trước đó với Bộ GTVT nhưng không được chấp thuận (kinh phí cho phần này hơn 500 tỉ đồng); thay đổi khung giá vật liệu xây dựng phù hợp với giá vật liệu xây dựng tại địa phương, điều chỉnh này làm cho DA tăng khoảng 1.000 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước đối ứng (theo hợp đồng đầu tư PPP) cho DA 2.186 tỉ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư BOT chịu trách nhiệm. Cùng với đó, phương án tài chính của DA theo đề xuất của chủ đầu tư cũng được phê duyệt và thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư không quá 15 năm kể từ khi thu phí.

“Có thể nói, đến giờ phút này, các vướng mắc về thủ tục pháp lý để đảm bảo DA cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành vào năm 2021 đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng xét về tiến độ giải ngân thực tế từ T.Ư đối với phần đối ứng vốn ngân sách 2.186 tỉ đồng vẫn chưa có tín hiệu nào là cụ thể cả. Trong bối cảnh eo hẹp của ngân sách địa phương, UBND tỉnh đã tạm ứng cho DA hơn 270 tỉ đồng để động viên các nhà thầu nhưng bao nhiêu đó cũng chưa thể giải quyết được nhiều trong bối cảnh hiện nay”, ông Tuấn cho biết.

Cụ thể, về tiến độ giải ngân phần nguồn vốn này, ông Tuấn nói: “Tôi đã đại diện cho UBND tỉnh Tiền Giang ký gửi liên tục các công văn cho Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT để hỏi và Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng vào Tiền Giang làm việc rồi nhưng tới nay chưa thấy đồng nào hết. Khi nào có, chính chúng tôi cũng chưa biết được”.

Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tuy phần vốn 2.186 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư DA nhưng giữ vai trò quan trọng trong phương án tài chính vừa được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Mặt khác, yêu cầu nhà nước sớm giải ngân phần vốn này cũng là điều kiện tiên quyết từ phía liên danh các ngân hàng để họ giải ngân nguồn vốn vay tín dụng. Theo ông Hồng, hiện nay các nhà thầu đã đầu tư tổng cộng khoảng 3.000 tỉ đồng vào việc thi công DA và đã kiệt vốn. Vì vậy, nếu đến cuối tháng 8.2019, nguồn vốn ngân sách 2.186 tỉ đồng vẫn chưa được giải ngân thì DA vẫn phải buộc dừng. Trường hợp vẫn thi công thì chỉ cầm chừng để chờ ngân sách rót vốn Trước đó, ngày 23.7, tại gói thầu số 13 của DA cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã xảy ra tình trạng công nhân đình công, căng băng rôn ngăn cản việc thi công để đòi nợ. Tiếp theo đó, tất cả các nhà đầu tư đều thông báo với UBND tỉnh Tiền Giang rằng họ đã cạn vốn, buộc dừng việc thi công vào cuối tháng 8.2019.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên