Gạch không nung (còn gọi là gạch bê tông nhẹ) được xem là vật liệu xanh, thân thiên môi trường và được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu mới này lại đang rất khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường.
Cung đã sẵn sàng...
Sau hai năm đầu tư xây dựng và chạy thử, nhà máy sản xuất gạch bê tông nhẹ khí chưng áp (Aerated Autoclaved Concrete) của Công ty cổ phần Tân Kỷ Nguyên ở tỉnh Long An bắt đầu cho ra thị trường mẻ gạch đầu tiên vào đầu năm 2011. Với số vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 160 tỉ đồng, nhà máy có công suất thiết kế khoảng 450.000 mét khối/năm, khoảng 350 triệu viên gạch tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Tân Kỷ Nguyên đang gặp thử thách rất lớn khi sức tiêu thụ của thị trường quá yếu, không như kỳ vọng ban đầu. Ông Phan Hoài Thanh, Tổng giám đốc Công ty Tân Kỷ Nguyên, cho biết hiện nhà máy chỉ hoạt động bằng một phần tư công suất thiết kế.
Khách tham quan nhà mẫu được xây bằng gạch bê tông nhẹ của Công ty Bê tông nhẹ Vinh Đức. Ảnh: Như Ngọc
|
“Bài toán chung cho các doanh nghiệp như Tân Kỷ Nguyên là thị trường hiện nay rất yếu. Hầu hết các nhà máy đều trong tình trạng sản xuất chỉ khoảng 20-30% công suất thiết kế”, ông Thanh nói.
Trong khi đó tại Đồng Nai, nhà máy sản xuất gạch bê tông nhẹ khí chưng áp của Công ty cổ phần Vương Hải cũng chạy chỉ khoảng một phần năm tổng công suất thiết kế là 100.000 mét khối/năm kể từ khi đi vào hoạt động cách nay khoảng hai năm. Ông Đàm Thanh Tùng, Phó giám đốc công ty, cho biết cả năm 2011 Vương Hải chỉ bán được khoảng 15.000 khối gạch ra thị trường, con số khá khiêm tốn so với năng lực của nhà máy.
Theo số liệu của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến 2020 của Việt Nam cần đến 42 tỉ viên gạch tiêu chuẩn đất sét nung. Ước tính tổng lượng gạch sản xuất từ nay đến 2020 khoảng 330 tỉ viên và sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu mét khối đất sét, tương ứng với khoảng 25.000 héc ta đất nông nghiệp sẽ mất đi trong 10 năm tới. Ngoài ra, để sản xuất ra số gạch này sẽ phải tiêu tốn khoảng 40 triệu tấn than và thải ra bầu khí quyển khoảng 148 triệu tấn khí CO2 trong quá trình sản xuất.
Chính vì thế, từ cuối tháng 4-2010 Chính phủ đã có Quyết định 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung nhằm dần thay thế gạch đất sét nung, đặt mục tiêu đến năm 2020 vật liệu không nung sẽ chiếm khoảng 40% sản lượng vật liệu xây dựng. Theo quyết định này, những công trình cao từ 9 tầng trở lên phải sử dụng 30% lượng gạch bê tông nhẹ.
Từ năm 2010 nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch bê tông nhẹ, thậm chí đẩy thành phong trào với số lượng nhà máy mọc lên ngày càng nhiều trong khi thị trường vẫn chưa có. Có thể hiểu được sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp khi nhìn thấy nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước còn rất lớn trước sự phát triển của thị trường bất động sản, lại được sự hậu thuẫn từ quyết định của Chính phủ.
Tính đến nay, cả nước đã có chín nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp đi vào hoạt động với công suất 1,5 triệu mét khối/năm. Bên cạnh đó còn có 17 cơ sở sản xuất bê tông bọt, hơn 30 nhà máy sản xuất gạch block cốt liệu xi măng có công suất 20-35 triệu viên và hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ khác đã góp phần nâng tổng công suất sản xuất vật liệu xây dựng không nung lên đến 4,3 tỉ viên, chiếm khoảng 17-18% sản lượng vật liệu xây dựng. Nếu tính luôn 13 dự án nhà máy bê tông khí chưng áp đang trong quá trình đầu tư xây dựng thì số lượng gạch không nung đủ để xây dựng 200 tòa nhà cao 25 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 6 triệu mét vuông.
… Nhưng cầu vẫn dè dặt
Mặc dù có nhiều ưu điểm hơn so với gạch nung truyền thống, nhưng dường như gạch bê tông nhẹ ra đời vào thời điểm không được thuận lợi về nhiều mặt, trong đó tác động không nhỏ từ việc thị trường bất sản bị đóng băng suốt hơn ba năm qua. Theo ông Thanh, thị trường bất động sản khó khăn khiến nhiều công trình xây dựng bị chậm tiến độ vì chủ đầu tư kẹt vốn. Ngay cả những công trình gần xây xong phần thô cũng bị đình trễ. Trong khi đó, các loại gạch bê tông nhẹ hiện nay chủ yếu được dùng xây các vách tường ngăn trong giai đoạn gần hoàn thiện công trình. Do vậy, không chỉ gạch không nung mà cả gạch xây tường ngăn nói chung cũng không bán được hàng.
Một lý do khác không kém phần quan trọng khiến người sử dụng còn ngần ngại là gạch bê tông nhẹ có giá thành cao gần gấp đôi so với gạch đất sét nung. Nếu một khối gạch bê tông nhẹ có giá bán trên dưới 1,3 triệu đồng, thì gạch tuynel truyền thống giá chỉ khoảng 700.000 đồng. Bên cạnh đó, việc xây dựng bằng loại vật liệu mới này cũng đòi hỏi một trình độ kỹ thuật nhất định. Không giống gạch đất sét nung, thi công bằng gạch bê tông nhẹ cần phải dùng vữa chuyên dụng. Theo ông Trần Trung Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo máy và Sản xuất vật liệu mới Trung Hậu, trình độ kỹ thuật xây dựng kiểu “người biết, người không” hiện nay cũng chính là một nhược điểm của loại gạch mới này. Nhìn từ góc độ thiết kế xây dựng, bà Trần Xuân Đại Thắng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Alinco, cho rằng các dự án cao tầng sẽ có lợi khi sử dụng gạch bê tông nhẹ vì giảm được chi phí móng cọc và kết cấu khung sàn, vốn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng chi phí xây dựng công trình.
Ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM, cho biết ngay cả những công trình thấp tầng như nhà phố, biệt thự, chủ đầu tư cũng chưa biết tường tận các lợi ích của gạch bê tông nhẹ. Kiến trúc sư Vũ Quang Định, Công ty cổ phần Kiến trúc Aspace, cũng khẳng định trở ngại lớn nhất để loại vật liệu này trở nên thông dụng chính là niềm tin của người sử dụng. Bởi trước một loại vật liệu còn khá mới mẻ, nhiều người vẫn chọn giải pháp an toàn hơn là mạo hiểm vì đôi lúc họ phải dành dụm trong hàng chục năm mới đủ tiền xây dựng.
Như vậy, có thể khẳng định yếu tố tâm lý sợ rủi ro chính là rào cản các chủ đầu tư dự án đến với loại gạch mới. Ông Cường cho rằng để thúc đẩy thị trường, các nhà sản xuất nên tìm cách quảng bá, cung cấp thêm thông tin, chứng minh cho người sử dụng những đặc điểm ưu việt của gạch bê tông nhẹ cũng như tìm cách hạ giá thành sản phẩm.
Một điểm nữa là mặc dù Nhà nước đã quy định phải sử dụng trên 30% gạch bê tông nhẹ cho các tòa nhà cao tầng, nhưng nhiều chủ đầu tư chưa tuân thủ trong khi các cơ quan quản lý lại thiếu biện pháp chế tài. Theo ông Cường, nếu các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải dùng loại gạch này mới phê duyệt dự án thì chắc chắn các chủ đầu tư và nhà thầu phải tuân theo. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nghiên cứu chính sách ưu đãi cho nhà sản xuất cũng như người sử dụng để thúc đẩy việc sử dụng gạch bê tông nhẹ trên thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: