Sức tiêu thụ giảm sút chung trên thị trường thế giới trong thời gian qua khiến giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép là phôi và thép phế nhập khẩu giảm, nên giá thép sản xuất trong nước giảm theo. |
Sau vài lần điều chỉnh giá thép tăng ở quý I, từ quý II đến nay, một số doanh nghiệp liên tiếp giảm giá bán, thậm chí còn khuyến mãi, tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ phí vận chuyển cho khách hàng để kích cầu, nhưng sức tiêu thụ thép trên thị trường những tháng gần đây vẫn chậm, tồn kho tăng cao.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi, do sức tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp trong ngành tiết giảm sản xuất để tránh tồn kho cũng như đọng vốn, nên sản xuất thép xây dựng trong tháng 6 chỉ đạt 280.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ. Tính chung sáu tháng đầu năm, sản xuất thép đạt 2,38 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sản xuất, tiêu thụ thép liên tục tăng trong quý I, nhưng lại giảm dần trong quý II. Cụ thể, trong tháng 3 năm nay, tiêu thụ thép cao nhất, lên tới 521.000 tấn, nhưng bước sang tháng 4 giảm xuống còn 443.000 tấn, tháng 5 còn 352.000 tấn và tháng 6 chỉ còn 290.000 tấn. Tính chung sáu tháng đầu năm, tiêu thụ thép đạt 2,22 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng do tiêu thụ giảm, mức tồn kho tính đến hết tháng Sáu lên đến 370.000 tấn và đây là mức tồn cao so với mức cho phép khoảng 250.000 tấn.
Ông Nghi cũng cho biết, từ đầu năm đến nay giá bán thép xây dựng trên thực tế của một số nhà sản xuất được điều chỉnh tăng, giảm dựa vào sức mua của thị trường, mức điều chỉnh thường dao động trong khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng/tấn.
Hiện giá bán thép tại nhà máy, chưa tính thuế VAT của các đơn vị trực thuộc và liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam ở phía Bắc dao động từ 14,7 triệu đến 15,2 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và từ 14,9-15,2 triệu đồng/tấn đối với thép cây; giá bán của các đơn vị phía Nam ổn định ở mức 15,2-15,5 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và từ 15,4-15,5 triệu đồng/tấn đối với thép cây.
Giá bán lẻ thép xây dựng ngoài thị trường ở một số địa phương giảm 200.000-300.000 đồng/tấn, phổ biến ở mức 17,4-18 triệu đồng/tấn ở miền Bắc và từ 17,8-18,2 triệu đồng/tấn ở miền Nam.
Lý giải về việc giảm giá nhưng sức tiêu thụ thép sụt giảm liên tiếp này, Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Nghi cho rằng do sức tiêu thụ giảm sút chung trên thị trường thế giới trong thời gian qua khiến giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép là phôi và thép phế nhập khẩu đã giảm từ 15-20 USD/tấn nên giá thép sản xuất trong nước giảm theo.
Bên cạnh đó, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của lĩnh vực xây dựng trong nước cũng giảm sút, hàng loạt công trình lâu nay vẫn phải thi công cầm chừng để chờ vốn, một số công trình khác thì đình, hoãn, giãn tiến độ thi công khiến sức tiêu thụ thép xây dựng chậm hơn trước đây dù doanh nghiệp đã tiết giảm sản xuất, để giảm giá thành, tăng chiết khấu bán hàng và hỗ trợ phí vận chuyển cho khách hàng để kích cầu.
Mặt khác, cũng do giá nguyên liệu đầu vào giảm, giá thép thành phẩm trong nước giảm theo, một số doanh nghiệp thương mại đã tranh thủ “ôm” hàng chờ cơ hội, nhưng giá lại tiếp tục giảm khiến doanh nghiệp không bán được hàng, đẩy mức tồn kho của toàn ngành lên cao hơn. Ngoài ra, không thể không kể đến tình trạng các tỉnh, thành ồ ạt đầu tư nhà máy thép dẫn đến phá vỡ quy hoạch ngành, dư thừa công suất, tồn kho cao như hiện nay.
Ông Nghi cũng cho biết thêm bên cạnh việc tiết giảm chi phí sản xuất hạ giá thành sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách xuất khẩu thép ra nước ngoài. Mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu không được như cùng cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong năm tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 730.000 tấn thép thành phẩm các loại, đạt giá trị kim ngạch 844 triệu USD.
Mặc dù lợi nhuận của việc xuất khẩu thép vào thời điểm này rất thấp, nhưng đây là giải pháp tình thế để các doanh nghiệp ngành thép giải quyết lượng hàng tồn kho, thu hồi được vốn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh mất việc làm cho công nhân. Thế nhưng, hiện nay nhiều nước mà doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến để mở rộng thị trường thì kinh tế vẫn chưa hết khó khăn; một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu cũng đang dư thừa công suất... do đó, các doanh nghiệp chỉ có thể xuất khẩu ở một số thị trường thống và tiềm năng như Lào, Campuchia, Myanmar... Tuy nhiên, để xuất khẩu hiệu quả, các doanh nghiệp thép cần liên kết với nhau, thận trọng với các vụ kiện gia tăng, nhất là với mặt hàng thép cán nguội và thép ống.
Dự báo về sức tiêu thụ mặt hàng này trong thời gian tới, ông Nghi cho rằng nếu sớm cũng phải đến đầu tháng 9 hoặc cuối tháng 10, tiêu thụ thép xây dựng sẽ tăng dần lên khi vào mùa xây dựng và khi Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường thực sự phát huy hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: