Top

Sử dụng gạch bê tông khí chưng áp: Giá nhà ở xã hội sẽ giảm

Cập nhật 15/04/2013 13:30

Sử dụng gạch không nung và phụ trợ đồng bộ sẽ tiết giảm 50% chi phí xây dựng nhà xã hội.

Gạch AAC trở lại thị trường

Sau khi có quyết định của Thủ tướng phê duyệt từ nay đến năm 2020, gạch nung truyền thống sẽ được thay thế bằng gạch không nung khí chưng áp (AAC). Hàng loạt công ty đua nhau xây dựng nhà máy sản xuất. Trong đó có Công ty An Thái, Viglacera, Vương Hải (V-block), Công ty CP Gạch khối Tân Kỷ Nguyên (E-Block) và Công ty CP Vĩnh Đức Sài Gòn (BTONG),…

Sau một thời gian, gạch AAC không thành công trên thị trường vật liệu xây dựng. Nhiều nhà máy mới chỉ sản xuất 50% công suất thiết kế nhưng tiêu thụ chỉ đạt 15 - 20% công suất.

Đánh giá về việc này, theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân như thị trường bất động sản đóng băng, thói quen tiêu dùng chưa thay đổi…, thì gạch AAC còn gây rất nhiều bất lợi như: “kén" phụ kiện đi kèm, không thể xây bằng xi măng mà phải bằng loại vữa riêng. Trong khi đó, trên thế giới loại gạch này rất thành công như Tập đoàn Xella có doanh thu lên đến 1,2 tỷ Euro hàng năm, tại Trung Quốc có hàng ngàn nhà máy sản xuất gạch AAC, ở Thái Lan gạch AAC được dùng phổ biến. Ở Australia bắt buộc sử dụng vì nó là sản phẩm xanh…

Từ những bất lợi và cả lợi thế  nêu trên, Công ty An Thái đã đầu tư một dây chuyền sản xuất gạch AAC có công suất 300.000m3/năm. Đồng thời, sản xuất phụ trợ đồng bộ đi kèm khác như keo dán, vữa bả... riêng cho gạch AAC.

Đánh giá về việc này, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh này, những doanh nghiệp như An Thái sẽ là "cứu cánh" cho gạch AAC được trở lại thị trường xây dựng, khi trong bối cảnh thị trường xây dựng đang cần rút ngắn thời gian thi công và giảm giá thành xây dựng. 

Tiết giảm giá thành xây dựng nhà ở

Theo đánh giá của ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), gạch AAC có rất nhiều ưu điểm như giảm kết cấu do giảm trọng lượng gạch và giảm trọng lượng vữa trát hoàn thiện, chi phí trên 1m2 tường chỉ bằng 70 - 90% gạch chỉ rỗng truyền thống, thời gian thi công bằng 30% so với các loại gạch khác, thi công sạch sẽ, gọn gàng, rất ít có rơi vãi, cơ giới hóa thi công...

Hiện, Công ty An Thái là môt doanh nghiệp đi đầu trong việc sản xuất được các sản phẩm phụ trợ đồng bộ như keo xây mạch mỏng, lớp hoàn thiện skimcoat, sơn tường mang thương hiệu NEXT BUILD.

Tính toán của một chuyên gia vật liệu xây dựng cho thấy, 1m2 tường xây dựng bằng gạch AAC tường 10 khi hoàn thiện có giá thành 343.000 đồng/m2, gạch đỏ có giá thành 501.153 đồng/m2. Như vậy giảm được 159.153 đồng/m2. Ngoài ra còn tiết kiệm chi phí giàn giáo để trát tường.

Với những ưu điểm trên, cộng với việc tìm ra và khắc phục được hạn chế của gạch AAC, đồng thời nhiệt đới hoá, Công ty An Thái kỳ vọng loại gạch AAC này sẽ là sản phẩm ưu việt cho việc phát triển nhà xã hội mà Nhà nước đang đẩy mạnh phát triển trong tương lai. Bởi theo tính toán trên, dùng gạch AAC sẽ giảm được trọng lượng tường xây, vữa trát dẫn đến kết cấu công trình giảm. Thời gian thi công được rút ngắn đáng kể, giá thành thi công rẻ hơn so với xây bằng gạch đỏ thông thường.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nếu áp dụng đồng bộ từ gạch không nung AAC cho đến sơn vào nhà xã hội, giá sẽ giảm 50% so với giá thành xây dựng hiện nay.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã phát động cuộc thi kiến trúc cho nhà ở xã hội, gạch AAC và đồng bộ các phụ trợ, có thể là một trong những “tác phẩm” xuất sắc giúp thời gian thi công nhanh, giảm giá thành xây dựng, nâng cao độ bền vững của toà nhà. Và việc gạch AAC tham gia cuộc thi này sẽ góp phần tiết giảm các chi phí trong xây dựng, giảm giá thành căn hộ.


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị