Top

Lo ngại khi thuế nhập khẩu thép còn 0%

Cập nhật 26/12/2009 08:30

Có tới 15% dự án thép rất lạc hậu, dự án có công nghệ trung bình chiếm 50%-60%.

Theo lộ trình cam kết WTO, bắt đầu từ năm 2010, một số sản phẩm thép ngoại sẽ được giảm thuế khi nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc ngành thép trong nước vốn kém tính cạnh tranh nay lại hụt hơi với thép ngoại.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết: ”Đến năm 2014 và xa nhất là năm 2017, một số sản phẩm thép ngoại sẽ có mức thuế bằng 0%. Mỗi một năm, mức thuế của thép ngoại sẽ có những mức giảm khác nhau.

Riêng trong năm 2010, thuế của một số sản phẩm thép ngoại đã phải giảm, có cái giảm 1%, cái 2% tùy từng loại sản phẩm thép. Điều này dẫn đến mức cạnh tranh của thép nội với thép ngoại ngày càng khốc liệt”.
 

Hiện công suất sản xuất thép của các doanh nghiệp đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. (Ảnh chụp tại nhà máy thép Phú Mỹ) Ảnh: Hữu Luân


Nhiều dự án lạc hậu


* Thời gian vừa qua, thép nội sống được một phần nhờ vào chính sách bảo hộ về thuế. Mỗi khi gặp khó khăn thì doanh nghiệp lại kiến nghị Chính phủ tăng thuế nhập khẩu đối với thép ngoại. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Khi Việt Nam gia nhập WTO thì có một lộ trình nhất định để bảo vệ sản phẩm thép trong nước. Việc đưa ra lộ trình như vậy là để doanh nghiệp trong nước có bước chuẩn bị chuyển hóa, đầu tư công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Cho nên ý kiến nói doanh nghiệp thép trong nước sống nhờ bảo hộ là cách hiểu chưa thấu đáo vấn đề.

Trong năm 2009, thuế nhập khẩu thép theo cam kết WTO vẫn còn 17% nhưng mình chỉ mới nâng lên 15%. Thực tế năm 2009, thép nội đã cạnh tranh kịch liệt với thép ngoại, kể cả thép sản xuất tại các nước ASEAN vào Việt Nam với mức thuế 0% theo cam kết AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - PV).

* Dù được hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi từ phía nhà nước nhưng trên thực tế thép nội vẫn khó cạnh tranh với thép ngoại. Có phải một phần nguyên nhân xuất phát từ nhiều dự án thép được cấp phép ồ ạt nhưng không mang lại hiệu quả hay không?

Phải công nhận là ngành thép trong nước về thiết bị còn lạc hậu. Những dự án lạc hậu đều rơi vào những người ngoài nghề nhưng có kinh doanh thép. Có thời điểm họ thấy làm ăn được nên bỏ vốn mua công nghệ, thiết bị lạc hậu giá rẻ của một số nước về xây dựng nhà máy thép. Những dự án này có khả năng cạnh tranh rất kém.

Năm 2007, đánh giá của Chính phủ cho thấy có tới 15% dự án thép rất lạc hậu; dự án có công nghệ trung bình chiếm 50%-60%; số còn lại chỉ có công nghệ trên trung bình... Hiệp hội đã có cảnh báo nếu không nhanh chóng thay đổi thì về lâu dài, ngành thép sẽ khó cạnh tranh nổi, thậm chí còn chết ngay trên sân nhà. Có doanh nghiệp đã có thay đổi nhưng có doanh nghiệp thấy vẫn sống được nên cứ cố gắng duy trì.

Đã nhiều lần cảnh báo

* Việc giảm thuế dù sớm hay muộn là sẽ xảy ra. Vậy trong lúc này, ngành thép cần phải có sự thay đổi gì để tồn tại và cạnh tranh với thép ngoại?

Cuối quý III-2009, Bộ Công thương đã có văn bản hướng dẫn địa phương và các nhà máy thép một số quy định liên quan đến kỹ thuật, công nghệ nhằm phát triển bền vững ngành thép. Hiệp hội cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Nói thì nhiều nhưng doanh nghiệp nghe hay không lại là chuyện khác. Hiệp hội cũng chỉ bảo vệ doanh nghiệp dựa trên lẽ phải thôi chứ không thể bảo vệ một cách mù quáng được.

* Có ý kiến cho rằng việc giảm thuế đem lại tính cạnh tranh cao hơn cho thị trường thép. Người dân cũng được mua hàng hóa với giá rẻ hơn. Vậy làm thế nào hài hòa được lợi ích của người dân và lợi ích doanh nghiệp trong nước?

Cũng phải châm chước thực tế hiện nay là công nghệ, thiết bị thép trong nước chưa thực sự tiên tiến lắm. Trên thế giới nhiều nước cũng áp dụng biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước chứ không riêng gì Việt Nam. Việc bảo vệ có thời hạn là nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian cải tạo, đầu tư công nghệ mới.

Bên cạnh đó, cần phải chiếu cố đến một lực lượng lên tới hàng vạn lao động trong ngành thép. Nếu để doanh nghiệp trong nước chết thì giải quyết việc làm cho lượng lao động đó là vấn đề nan giải của Chính phủ và xã hội.

Cho nên vấn đề hài hòa lợi ích người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp cũng là vấn đề cần cân nhắc. Tôi từng chứng kiến mỗi lần tăng thuế, cơ quan chức năng mà điển hình là Bộ Tài chính phải cân nhắc nhiều đến lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng chứ không phải cứ thích là tăng đâu.

Xin cảm ơn ông.
 

Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam, cả năm 2009, sản lượng thép tiêu thụ của doanh nghiệp thuộc hiệp hội trên 4 triệu tấn, tăng khoảng 30% so với năm 2008. Lượng thép nhập khẩu các loại năm 2009 trên 6,5 triệu tấn. Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nam Phi và các nước ASEAN... là những nước xuất khẩu phần lớn thép vào Việt Nam. Hiện công suất sản xuất thép của doanh nghiệp trên 11 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP