Hơn 2.100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương vừa được tỉnh bàn giao cho doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ông Phạm Anh Tuấn đề nghị chủ dự án cao tốc triển khai đúng tiến độ như Thủ tướng chỉ đạo. Ảnh: Hoàng Nam.
Ngày 4/12, UBND tỉnh Tiền Giang họp báo, công khai tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND Tiền Giang, cuối tháng 11, tỉnh này đã nhận được nguồn vốn hơn 2.100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hiện đã giao vốn cho doanh nghiệp dự án.
"Trong đó hoàn ứng kinh phí cho doanh nghiệp dự án hơn 1.400 tỷ đồng, hoàn ứng ngân sách tỉnh gần 280 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được đầu tư cho các hạng mục khác của dự án", ông Tuấn nói.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, theo phương án tài chính được duyệt, các tổ chức tín dụng sẽ tham gia tài trợ trên 6.600 tỷ đồng.
Thời gian qua, doanh nghiệp dự án cùng tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần làm việc với các tổ chức tín dụng. "Đến nay đã quá trễ, không còn thời gian dự phòng nhưng vẫn chưa thỏa thuận xong với các ngân hàng nguồn vốn này", ông Thủy nói.
Lãnh đạo UBND Tiền Giang cho biết, tỉnh sẽ báo cáo những gút mắc này cho Thủ tướng và các bộ ngành, cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Địa phương yêu cầu doanh nghiệp dự án sau khi nhận nguồn vốn từ ngân sách, phải đẩy nhanh tiến độ, làm ba ca kể cả ngày lễ, Tết để hoàn thành dự án theo kế hoạch.
"Làm gì thì làm, phải đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến cuối năm 2020 sẽ thông tuyến", ông Tuấn nói.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đạt 27% tổng khối lượng. Ảnh: Quỳnh Trần
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua năm huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau 10 năm liên tục đình trệ, hiện dự án đã triển khai 21/21 gói thầu xây lắp, đạt khoảng 27% tổng khối lượng thi công. Sau khi điều chỉnh, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, trong đó vốn BOT 10.400 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách. Tỉnh Tiền Giang hiện đã giải phóng mặt bằng được 98%, khoảng 50 km.
Do nguồn vốn chưa được giải ngân đúng thời hạn, giữa tháng bảy, tiến độ thi công dự án này bị đình trệ, một đơn vị thi công đã bỏ việc, căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả tiền. Thủ tướng sau đó đã khẳng định sẽ bố trí đủ nguồn vốn cho dự án, đồng thời chỉ đạo khẩn trương thông tuyến cao tốc vào cuối năm 2020.
DiaOcOnline.vn – Theo Vnexpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: