Nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại TPHCM đang khóc dở chết dở khi bất động sản đóng băng kéo dài trong thời gian qua. Trong khi đó nhiều cửa hàng đóng cửa, các nhà máy thép cắt giảm hoặc ngưng hoạt động.
Tại cửa hàng Mai Tuấn Phát trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 thời gian qua việc kinh doanh cũng ảm đạm. Ảnh L.N.
|
Ảm đạm
Hơn hai tháng nay, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dưng Mai Tuấn Phát trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 ế ẩm khác thường. Chị Nguyễn Hoàng Vân An, chủ doanh nghiệp cho biết, mức tiêu thụ giảm từ 40-60% so với thời gian trước.
Do các nhà thầu gặp khó khăn, nhiều công trình dân dụng ít được xây dựng nên tại doanh nghiệp này lượng xi măng, gạch ốp lát, gạch và thép đang tồn kho lên tới hàng trăm tấn.
“Nhiều đầu mối tiêu thụ vật liệu xây dựng lâu năm nay cũng tạm ngưng công việc hoặc có việc thì chỉ vài công trình lẻ tẻ nên mức tiêu thụ không lớn” - chị An cho biết.
Anh Phong, chuyên cung cấp ván cốp pha trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 cũng than trời vì từ đầu năm đến nay chỉ cho thuê được 10 mối.
Chị Nguyễn Thị Nga - Cty cung cấp vật liệu xây dựng và thi công Phát Thành Công, ở ngã ba Thái Lan, TP Biên Hòa cho biết, do khó khăn kinh tế nên gần một năm qua đơn đặt hàng từ các nhà thầu xây dựng đã giảm 50% so với trước đó.
Theo chị Nga, từ đầu năm đến nay các công ty xây dựng mà mình chuyên cung cấp vật liệu cũng chỉ thi công vài công trình nhỏ dân dụng nên các đơn vị này cũng đặt hàng nhỏ giọt.
Ngay tại công ty của mình, chị Nga cho biết chỉ hoạt động cầm chừng, làm các công trình nhỏ, ít vốn và giữ lại một số công nhân có tay nghề thông thạo.
Tại cửa hàng vật liệu xây dựng Tuấn Sơn trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM vắng bóng khách từ đầu năm đến nay. Anh Tuấn chủ cửa hàng cho biết: “Sức mua giảm thấy rõ.
Hồi trước, mỗi ngày doanh thu có khi lên 50 triệu đồng nhưng nay chỉ có vài triệu đồng. Trong khi tiền thuê mặt bằng đã lên 30 triệu đồng/tháng”.
Do giá thuê mặt bằng tăng cao, trong khi vật liệu xây dựng tiêu thụ không được, tồn kho lượng lớn nên nhiều cửa hàng cũng bắt đầu tính chuyện thanh lý để đóng cửa hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.
Chị Hồng, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Hồng Ánh trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 cho biết, cố gắng đến hết quý II sẽ “tống” hết hàng để chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác nếu như thị trường không khởi sắc hơn.
Cầm cự để sống
“Khi bất động sản đóng băng chắc chắn kéo theo nhiều hệ lụy cho các ngành liên quan đến lĩnh vực này mà xây dựng là ngành ảnh hưởng trực tiếp” - ông Bùi Hữu Nghĩa - Giám đốc Cty Bất động sản Lê Thành nói với Tiền Phong.
Theo ông Nghĩa, hệ lụy này kéo theo nhiều hệ lụy khác. Đó là do không bán được hàng nên các công ty bất động sản không có tiền trả cho doanh nghiệp xây dựng, làm cho các công ty xây dựng không có tiền trả cho các đơn vị bán vật tư và công nhân.
“Hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đã giảm hơn 70% mức độ đầu tư và chắc chắn các công ty xây dựng sẽ giảm doanh thu đi ít nhất 50%”- ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết, khó khăn kéo dài khiến cho công ty đã cắt giảm bớt đầu tư và nhu cầu dùng vật liệu xây dựng cũng giảm 50% so với lúc trước.
“Bình quân một năm chúng tôi sử dụng khoảng 150 đến 200 tỷ tiền mua vật liệu xây dựng, nhưng năm nay dự kiến chỉ còn khoảng 100 tỷ đồng”- ông Nghĩa cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho biết tiêu thụ thép đang chịu ảnh hưởng mạnh của cắt giảm đầu tư công.
Theo ông Cường, từ cuối năm ngoái đến nay tiêu thụ thép đã giảm hơn 10%. Các doanh nghiệp thép cũng phải cắt giảm 50% công suất.
Trong khi đó, những năm trước đây tốc độ tăng trưởng của ngành xi măng luôn vượt 10%/năm nhưng từ năm 2011 đến nay sức tiêu thụ đã giảm mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: