Top

Có giữ được đất hương hỏa của gia đình khi chuyển nhượng?

Cập nhật 21/10/2008 10:20

Câu hỏi:

Gia đình tôi có 6 anh em, ba tôi đã mất năm 1986, hiện còn mẹ và 6 anh chị em. Tôi xin nhờ Cà phê Luật tư vấn như sau: Hiện gia đình tôi có 1ha đất ở Tiền Giang, đất này chưa làm thủ tục sổ đỏ. Nay mẹ tôi muốn chuyển quyền sử dụng lô đất này cho người em út có hộ khẩu thường trú để quản lý và sử dụng với mục đích sản xuất hoặc kinh doanh. Tất cả chúng tôi đều đồng ý, nhưng do đây là của ông bà để lại làm kỷ niệm nên chúng tôi sợ khi làm ăn không có hiệu quả người em sẽ đem đi cầm cố hoặc bán phần đất này.

Nếu chia theo thừa kế mỗi người một phần thì nguời em không có dám mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trên mỗi phần của những người thừa kế vì nghỉ rằng khi có hiệu quả anh chị sẽ về tranh chấp. Và nếu chia ra như vậy thì người em sẽ không đủ đất để sản xuất kinh doanh và cũng sẽ không có trách nhiệm chăm sóc những phần đất đó. Chúng tôi cũng không có ý định là chia ra từng phần mà chỉ muốn chia ra như vậy rồi để người em đứng chủ quyền toàn bộ lô đất để thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi muốn giao cho người em toàn quyền sử dụng và hưởng hết mọi hiệu quả kinh doanh với điều kiện là không được cầm cố bán sang nhượng cho người ngoài gia tộc. Và chúng tôi lo sợ nếu chuyển quyền sử dụng đất khi em tôi mất đi thì người em dâu sẽ hưởng hết toàn bộ lô đất đó. Chúng tôi không muốn trường hợp này xảy ra vì đây là đất hương hỏa của gia đình. (Lê Ngọc Hiếu)


Luật sư Đỗ Như Quát - Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia TP.HCM trả lời:



Luật sư Đỗ Như Quát.

Trong trường hợp của bạn, theo chúng tôi nghĩ, có thể thực hiện như sau: Các đồng thừa kế có thể kê khai di sản thừa kế tại các cơ quan chức năng, sau đó có thể thực hiện việc ủy quyền lại cho người em út sử dụng, khai thác với điều kiện là không được bán cho người ngoài gia tộc. Việc ủy quyền này có thể không tính phí trong một thời gian bao nhiêu lâu tùy theo các đồng thừa kế thoả thuận.

Như vậy, người em út vừa có thể sử dụng toàn bộ phần đất trên mà không phải trả khoản tiền nào trong thời gian ủy quyền, mà anh em của bạn cũng không sợ phần đất của gia tộc mất đi một khi người em mất. Vì khi người em út chết, việc ủy quyền đương nhiên bị mất hiệu lực. Tuy nhiên, hợp đồng ủy quyền này cũng còn một vài hạn chế nhất định mà khi thực hiện, người em út có thể không được thoải mái trong việc kinh doanh của mình.

Bạn đọc có những thắc mắc cần được hỗ trợ, tư vấn trong lĩnh vực nhà đất. Vui lòng gửi thư về địa chỉ Email: cafeluat@diaoconline.vn

Xin chân thành cảm ơn!


DiaOcOnline.vn