Top

Chia tài sản thừa kế như thế nào?

Cập nhật 09/09/2014 14:13

Xin chào các anh chị

Tôi hiện có một thắc mắc liên quan đến thừa kế đất ở mong được anh chị giải đáp: Ông bà nội tôi có 6 người con trai, 1 gái. Ông nội tôi mất được hơn 10 năm. Trước khi mất ông có nói là chia cho các con đất ở theo như diện tích hiện nay mà các con đang sống, và hằng năm mỗi nhà đều đóng thuế đất ở theo như diện tích đang ở. Chứ không có sổ đỏ riêng. Sổ đỏ trước đây đứng tên ông, sau khi ông mất thì chuyển sang tên bà.

Vài năm gần đây bố tôi và bà có xảy ra 1 vài xích mích, bà không thích bố mẹ tôi, nhưng lại quý trai thứ 2 nhà tôi (bố mẹ tôi sinh được 3 trai, 1gái, tôi là trưởng) Đất này cũng không phải là đất ông bà mua, mà là đất của các cụ từ xưa để lại. bố tôi là trưởng nên được ông nội tôi cho phần rộng nhất (hơn 200m). Bố mẹ và các chú thím nhà tôi vẫn phận ai người đó ở, theo đúng như lời ông nói trước khi mất, và bà cũng đồng ý như vậy. Nhưng vài ngày trước bà có gọi bố tôi sang nói chuyện tách sổ đỏ, nhưng không đúng như lời di nguyện của ông

Bà nói chỗ đất nhà tôi đang ở sẽ chia 100m cho vợ chồng em trai thứ 2 nhà tôi, còn lại cho bố tôi, bố tôi thích chia cho ai thì chia nhưng bố tôi không đồng ý. Vì ý của bố là muốn cho em trai thứ 2 của tôi ở chỗ khác (bố mẹ tôi có đất riêng) còn chỗ đất của tổ tiên sẽ chỉ để cho tôi (con trưởng) ở. Bà còn muốn chia lại cả phần đất của chú thứ 2 ( em bố tôi) theo ý bà. Như vậy là bà đã không làm đúng như di nguyện của ông tôi, giữa bà và bố tôi, chú tôi đã không thống nhất được. Vậy anh chị cho tôi hỏi có cách giải quyết nào cho ổn thỏa trong trường hợp này? Xin cảm ơn các anh chị!

Kính gửi Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vnCông ty luật TNHH Đức An xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Thứ nhất: Di sản thừa kế là tài sản chung vợ chồng.

Khối tài sản trên được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Điều 31 Khoản 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “2. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.”

Theo đó, chỉ có một nửa khối tài sản nêu trên được xác định là di sản thừa kế do ông của bạn để lại và được chia thừa kế. Phần tài sản còn lại thuộc quyền định đoạt của bà bạn.

Thứ hai: Di chúc miệng:

Điều 651 BLDS 2005 quy định về di chúc miệng như sau:

“1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. 2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.”

Như vậy, chưa có căn cứ để xác định rằng ông của bạn có di chúc miệng trong tình trạng bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Theo đó, nếu ông của bạn có di nguyện để lại nhưng không thuộc trường hợp trên thì được coi là không có di chúc. Di sản của ông bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật theo Điều 675 Khoản 1 BLDS 2005.

Khi chia thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất: 1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Thứ ba: Thời hiệu khởi kiện về chia thừa kế

Ông của bạn đã mất hơn 10 năm, căn cứ vào Điều 645 BLDS 2005 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết. Việc giải quyết khối tài sản do người chết để lại được giải quyết theo Khoản 2.4 Mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, cụ thể:

“a. Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
 

***

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn.

* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.

Trân trọng.

Chuyên mục Café Luật
 

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn