Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2010, thành phố sẽ có khoảng 800 căn hộ nhà ở xã hội cho CBCNV thuê-thuê mua. Ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng nhận định, vì quy trình xét duyệt công khai, cụ thể nên không quá lo về tình trạng xin-cho, tiêu cực khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng nhà xã hội.
* 800 căn nhà xã hội cho thuê đầu tiên có quy mô căn hộ như thế nào, thưa ông?
Dự án đặt tại 2 lô đất nằm trong Khu đô thị mới Việt Hưng, trong đó nhà ở cho thuê quy mô 500 căn hộ, do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 156 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách. Còn nhà ở hình thức thuê-mua, thành phố giao Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, có mức 90 tỷ đồng bằng vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố.
Các khu nhà thiết kế 6 tầng không bố trí thang máy, quy mô diện tích căn hộ 35m2 chiếm 20% dành cho gia đình trẻ; diện tích từ 45 đến 60m2 chiếm 50% dành cho gia đình có 2 con. Còn lại có diện tích 60m2 dành cho gia đình có con đã trưởng thành.
Vị trí khu đất nằm trong khu đô thị mới có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, cách trung tâm thành phố khoảng 10km, giao thông công cộng thuận lợi lại là khu vực đang phát triển theo định hướng quy hoạch của Thủ đô với dự kiến 1 triệu dân.
* Những đối tượng nào sẽ được hưởng thụ dự án này, thưa ông?
Theo đề án xây dựng nhà ở xã hội đã được thành phố phê duyệt, đối tượng hưởng thụ là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp... đáp ứng các điều kiện chưa có nhà ở sở hữu riêng, chưa được thuê, mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; có nhà ở nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2/người; đang ở nhà tạm, hư hỏng; mức thu nhập hàng tháng không quá 5 lần tổng tiền thuê-thuê mua nhà xã hội trả hàng tháng đối với căn hộ có diện tích tối đa 60m2 sàn hoặc không thấp hơn 4 lần số tiền thuê, thuê mua phải trả với căn hộ diện tích tối thiểu 30m2 sàn.
* Nhiều lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng xin-cho, tiêu cực khi xét duyệt đối tượng hưởng thụ nhà ở xã hội, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Quy trình xét chọn đối tượng được quy định rất cụ thể nên không quá lo tình trạng xin-cho khi xét duyệt. Chẳng hạn cơ quan sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra, đề xuất danh sách đối tượng đủ tiêu chuẩn.
Người có nhu cầu làm đơn theo mẫu có xác nhận của cơ quan về số người trong hộ và mức thu nhập, điều kiện ở. Sở Xây dựng nhận đơn sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xét duyệt danh sách, trình UBND TP duyệt công khai.
Nguyên tắc chung là đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian thuê mua, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi nhà ở theo quy định của pháp luật. Trường hợp thuê mua nhà xã hội sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cũng chỉ được bán cho đơn vị quản lý nhà xã hội.
* Người dân rất quan tâm tới mức giá thuê, thuê mua nhà xã hội, Hà Nội có dự kiến mức giá thế nào?
Hiện nay, thành phố đang tính toán xây dựng mức giá cho thuê, thuê mua nhà theo khung giá quy định tại Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Mức giá thuê sẽ không vượt quá 20% thu nhập bình quân của người lao động. Trường hợp thuê mua, đối tượng hưởng thụ trả trước 20% giá trị, số còn lại trả dần hàng tháng trong tiền thuê nhà.
* Người thu nhập thấp thì đông trong khi 800 căn nhà ở xã hội lại quá ít, thành phố có mở rộng đầu tư trên diện rộng không?
Sở Xây dựng thống kê trong giai đoạn 2000-2007, Hà Nội xây mới hơn 8,5 triệu m2 nhà ở, nhưng chủ yếu đáp ứng nhu cầu thương mại. Nhà ở cho người thu nhập thấp, công chức, viên chức thiếu nghiêm trọng và là vấn đề bức xúc. Để có cơ sở xây dựng chương trình phát triển nhà ở đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 cần có số liệu điều tra tổng thể hiện trạng nhà ở, nhu cầu, khả năng chi trả, sử dụng, hình thức đầu tư khai thác...
Tuy nhiên căn cứ số lượng lao động đang làm việc, trước mắt có thể dự báo nhu cầu nhà ở xã hội cho đối tượng cán bộ công chức đến năm 2010 vào khoảng 3.600 căn hộ đến 5.400 căn hộ; công nhân các khu công nghiệp tập trung khoảng 6.000 căn hộ.
Ngoài dự án 800 căn ở Việt Hưng, Hà Nội cũng đã thí điểm nhà cho công nhân thuê ở Đông Anh. Đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên trước khi nhân rộng mô hình, đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội để phục vụ người có nhu cầu.
"Theo đề án của UBND TP, người có nhu cầu thuê nhà ở xã hội làm đơn (có xác nhận của cơ quan nơi làm việc về số lượng người trong hộ gia đình, về mức thu nhập và điều kiện nhà ở) nộp tại Sở Xây dựng Hà Nội. Sau đó, Sở Xây dựng sẽ cùng Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động TP xét duyệt danh sách, trình UBND TP phê duyệt."
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: