Chính những bất cập trong chính sách đã khiến rất ít DN mặn mà với việc xây nhà ở cho công nhân (CN) trong nhiều năm qua. Nhưng cho đến nay, lối ra cho công tác này vẫn còn… tù mù, khi việc xây dựng nhà ở cho CN chưa được chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương đưa lên hàng đầu một cách đúng nghĩa…
Khu nhà ở xã hội được Cty Becamex IDC xây dựng ở phương Hòa Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
|
Nhà lưu trú, nhà ở xã hội bỏ không, CN vẫn ưa… nhà trọ
Ngày 5.10 vừa qua, trong cuộc tiếp xúc giữa CN KCN Vĩnh Lộc với lãnh đạo chính quyền TPHCM, chị Văn Thị Hợi - CN KCN Vĩnh Lộc - đã thẳng thừng nói: “CN rất bức bách về nhà ở, nhưng nói thiệt, thời gian qua, các DN xây dựng nhà lưu trú trị giá cả trăm tỉ đồng, chúng tôi cũng không ham. Thà thuê nhà trọ xập xệ sống; vậy mà dễ chịu hơn”.
Xác nhận điều này, ông Võ Văn Thân - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH KCN Vĩnh Lộc - cho biết: “DN đã đầu tư hơn 150 tỉ đồng xây dựng nhà lưu trú 7 tầng, gồm 344 phòng, 2.400 chỗ ở… Nhà đưa vào sử dụng đã 4 năm; vậy mà, mới có 200 CN vào ở trong 62 phòng. Những phòng còn lại đều bỏ trống”. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM - đã phải thốt lên: “Một KCN có tới 12.000 CN, mà chỉ có 200 CN ở nhà lưu trú, là cần phải xem lại việc xây nhà lưu trú. Quá lãng phí, mà không hiệu quả”.
Nhiều CN cho biết: Vào ở nhà lưu trú, mỗi CN chi từ 240 - 300 ngàn đồng/ tháng tiền thuê nhà, chưa kể các tốn kém khác. Nội quy ra vào, sinh hoạt ngặt nghèo CN ở không thoải mái… Trong khi ở nhà trọ, gần chỗ làm, chỉ tốn khoảng 150.000 đồng/tháng, sinh hoạt thoải mái, tự do… Vì vậy, đa phần CN vẫn thích ở nhà trọ hơn.
Tình trạng nêu trên cũng diễn ra ở tỉnh Đồng Nai. Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Với 68 KCN - cụm CN, tỉnh Đồng Nai có khoảng 741.000 CN, trong đó 60,4% CN là người ngoài tỉnh, rất cần nhà ở. Nhưng thực tế, một số dự án nhà lưu trú CN do DN xây dựng chỉ đáp ứng 40% số CN mà thôi. Còn lại, phải nhờ 17.000 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh 125.000 phòng, cho hơn 300.000 CN thuê ở và CN vẫn thích ở nhà trọ hơn là nhà lưu trú CN”.
Tương tự, ở tỉnh Bình Dương, số CN và người có thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở, phải trên 250.000 người (năm 2015). Thế nhưng đến nay, các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú CN cũng chỉ mới đáp ứng cho hơn 18.000 người. Hầu hết số CN còn lại cũng phải chọn giải pháp nhà trọ để sinh sống.
Gần đây, một số dự án nhà ở xã hội đưa vào hoạt động, xem ra vẫn chưa hấp dẫn, nên có không ít dự án, nhà xây xong ế ẩm hàng ngàn căn vẫn chưa có người mua, dù giá rất thấp. Rõ ràng, phương án nhà lưu trú hay nhà ở xã hội dành cho CN tại các địa phương còn không ít bất cập, chưa thật sự phù hợp với thực trạng CN đang làm việc tại các KCN hiện nay. Những khiếm khuyết nêu trên đã làm cho nhiều CN quay lưng với nhà lưu trú hay nhà ở xã hội và tiếp tục sử dụng nhà trọ do người dân tự phát xây dựng.
Loay hoay tìm một lối ra?
Để tạo điều kiện cho CN có được nhà ở, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách. Gần đây, ngày 12.11.2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14.3.2008 của Chính phủ. Tại Nghị định 164, Chính phủ đã dành hẳn Điều 21c, cho “phát triển nhà ở cho NLĐ tại các KCN, khu kinh tế”.
Điểm mới trong nghị định này là Nhà nước khuyến khích hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ tại các KCN thuê. Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh các địa phương phải bố trí quỹ đất để các tổ chức, DN xây dựng nhà ở cho CN trong KCN v.v…
Có thể nói, với quy định mới này, lần đầu tiên, nhà trọ tư nhân cho hàng vạn CN thuê ở lâu nay đã được Chính phủ tôn vinh, trân trọng. Tuy nhiên, “hiện tại, Nhà nước chưa có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện nào cho người dân đầu tư xây dựng nhà trọ theo quy cách, quy chuẩn về xây dựng…
Mặt khác, trong khi DN xây dựng nhà lưu trú, nhà ở xã hội được vay vốn ngân hàng, thì người dân xây dựng nhà trọ hoàn toàn chưa được ưu đãi gì về tài chính. Hầu hết họ tự xây bằng vốn riêng, nên phần lớn các khu nhà trọ trên địa bàn các tỉnh, thành chưa đảm bảo các tiêu chí thiết kế. Phải có chính sách coi việc phát triển nhà trọ cho CN thuê như một ngành nghề giải quyết gánh nặng xã hội như giải quyết việc làm, thì người dân xây nhà trọ cho CN thuê mới được coi trọng” - ông Bùi Thế Hùng - Tổng GĐ Cty CP Khải Hoàn nói.
Theo ông Tạ Huy Hoàng - GĐ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai: “Dù Nghị định 164 được ban hành gần một năm, nhưng đến nay, tính ưu việt của nghị định đó vẫn chỉ… trên giấy. Hơn bao giờ hết, chúng tôi rất mong mỏi Chính phủ, các bộ, ngành trung ương có các hướng dẫn, biện pháp cụ thể hơn nữa để sớm đưa chủ trương trên đi vào cuộc sống. Nhất là trong việc quy hoạch, quản lý và ưu đãi cho người dân đầu tư nhà trọ cho CN thuê”.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: