Top

Vướng 2% diện tích do chủ đất đòi bồi thường cao, dự án bất động sản ‘đứng hình’ 9 năm

Cập nhật 12/09/2022 11:22

Nhà đầu tư ngày càng khó thương lượng với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm dự án, nhất là đối với các phần diện tích đất còn lại cuối cùng các thửa đất này thường thuộc về giới “đầu nậu”, “đầu cơ” đất đai.

Các nhà đầu tư ngày càng khó thương lượng với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm dự án - Ảnh: NGỌC HIỂN

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) Chính phủ mới trình Quốc hội.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết tất cả nhà đầu tư đều muốn tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua đấu giá, đấu thầu bởi trong 20 năm qua, nhà đầu tư ngày càng khó thương lượng với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Nhất là đối với các phần diện tích đất cuối cùng trong khu vực dự án do các thửa đất này thường thuộc về giới "đầu nậu", giới "đầu cơ" đất đai đứng đằng sau người sử dụng đất.

Ông Châu dẫn ví dụ một dự án bất động sản cao cấp hơn 7ha tại TP Thủ Đức chỉ vướng 2% diện tích đất do chủ đất gây khó. Do đó, sau 9 năm mới bồi thường được với giá "khủng", dự án đã bị "đứng hình" 9 năm.

Còn đối với dự án khu đô thị mới Bình Trưng Đông - Cát Lái, quy mô 254ha do Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư chính với 14 chủ đầu tư dự án thành phần. Tuy nhiên, chỉ vì không bồi thường được cho chủ một số thửa đất mà bị "đứng hình" 20 năm qua, dẫn đến 14 doanh nghiệp chủ đầu tư và hàng trăm khách hàng góp vốn vẫn còn bị "mắc kẹt" 20 năm qua.

Theo ông Châu, nghị quyết số 18 chủ trương "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất" là định hướng lâu dài, đúng đắn.

Do đó, cần phải có lộ trình để tổ chức phát triển quỹ đất, trong đó có trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh dần đủ năng lực hoạt động và tích lũy được nguồn lực tài chính để bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, theo giá thị trường, tái định cư thỏa đáng cho người dân.

"Toàn bộ chênh lệch địa tô được thu về ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng nên dễ được người dân đồng tình, đồng thuận vì toàn bộ chênh lệch địa tô này không chỉ rơi vào túi tư nhân", ông Châu nói.

Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chỉ ra điều bất cập là trong nhiều năm qua do nguồn lực tài chính của Nhà nước và năng lực của trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh có hạn, nên Nhà nước không thể giải phóng mặt bằng để tạo lập đủ quỹ đất, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư. Thể hiện rất rõ là trong nhiều năm qua chỉ có rất ít khu đất được Nhà nước đưa ra đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Liên quan đến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ông Châu cho hay dự thảo không cho phép nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở xã hội mà nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tư nhân đã làm được trong nhiều năm qua.

Theo ông Châu, nghị quyết số 18 cho phép thực hiện hai phương thức tạo lập quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại. Tuy nhiên, dự thảo luật này lại chỉ quy định một phương thức tạo lập quỹ đất là "Nhà nước thu hồi đất" và lựa chọn nhà đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại "thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất".

Do đó, ông Châu đề nghị thực hiện đúng và đầy đủ nội dung nghị quyết số 18 với hai phương thức tạo lập quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Một là "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất".

Hai là "thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại", phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ