Top

Vốn ngoại trở lại với bất động sản

Cập nhật 07/08/2014 10:41

Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước trong bảy tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vốn đổ vào hai lĩnh vực bất động sản và xây dựng lại tăng cao.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế thu hút nguồn vốn nước ngoài. Ảnh: QUỐC HÙNG

Có những dự báo vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào bất động sản trong thời gian tới.

Đa dạng nhà đầu tư

Tập đoàn Magnum Group (Dubai) vừa ký kết hợp tác đầu tư với Tổng công ty Bất động sản Đông Á thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu du lịch sinh thái Núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn ở Thanh Hóa.

Ông Sam Rehani, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Magnum Group, đánh giá cao tiềm năng du lịch của khu vực này và cho biết Magnum sẽ cử các chuyên gia quy hoạch hàng đầu đến Thanh Hóa làm việc. Có khả năng dự án này sẽ được phát triển trên một vùng diện tích đất không dưới 100 héc ta.

Ở miền Trung, tập đoàn Rose Rock của Mỹ cam kết sẽ đầu tư vào vịnh Vũng Rô (Phú Yên) để phát triển tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng với mức đầu tư khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ.

Tại TPHCM, liên danh giữa tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) với các nhà đầu tư Nhật Bản cũng cam kết sẽ phát triển khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ và chung cư ở đô thị mới Thủ Thiêm với mức đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ. Theo ông Kim Min Geun, Trưởng bộ phận dự án phức hợp nước ngoài của Công ty Lotte Asset Development, dự án này cùng với Lotte Center Hanoi là hai công trình bất động sản quan trọng của Lotte ở Việt Nam. Lotte và các đối tác Nhật đã lên kế hoạch cho dự án từ nhiều năm và nay là thời điểm thích hợp để khởi động.

Một số dự án tạm ngưng triển khai từ những năm trước nay cũng được các chủ đầu tư cho khởi động lại. Mới đây, chủ đầu tư dự án Tổ hợp đô thị du lịch Hạ Long Star ở Quảng Ninh có vốn đầu tư 550 triệu đô la Mỹ là tập đoàn Nakheel (các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất - UAE) đã quay trở lại và cam kết sẽ triển khai dự án thông qua hợp tác với tập đoàn Sovico Holdings.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy kết quả chung thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vốn đổ vào bất động sản lại tăng cao. Trong bảy tháng qua, lĩnh vực bất động sản có 22 dự án FDI đầu tư mới và điều chỉnh đã được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt 1,13 tỉ đô la Mỹ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ hai chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo.

Nguồn vốn đầu tư bất động sản tăng kéo theo sự gia tăng của hoạt động xây dựng nước ngoài vào Việt Nam. Cũng trong bảy tháng đầu năm, lĩnh vực xây dựng thu hút hơn 547 triệu đô la Mỹ vốn FDI, tăng gần 670%.
Một số dự án có vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ, như dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Hải Hà ở Quảng Ninh của Công ty cổ phần tập đoàn Texhong (Trung Quốc), vốn đầu tư khoảng 215 triệu đô la Mỹ (tham vọng của Texhong là sẽ rót thêm 950 triệu đô la Mỹ để đầu tư toàn bộ phần đất được quy hoạch cho KCN trong tổng thể dự án KCN Cảng biển Hải Hà quy mô 3.000 héc ta); hay dự án khu căn hộ - trung tâm thương mại trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) của Công ty TNHH Bay Water (Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate Limited góp 48% vốn). Các dự án căn hộ cao cấp của Jen Capital (Quỹ Đầu tư bất động sản Quốc tế) tại quận 1 và quận 3 (TPHCM) có mức vốn đầu tư từ 50-70 triệu đô la Mỹ...

Tình hình hiện nay cho thấy nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng có khả năng tăng cao trong thời gian tới khi những dự án tỉ đô của Lotte, Rose Rock, Magnum Group... được cấp phép.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế cho đến thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản đã có 427 dự án FDI được cấp phép, tổng vốn đăng ký hơn 50 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 20,65% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Kéo theo đó, lĩnh vực xây dựng có hơn 1.110 doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 10,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 4,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)
 

Thị trường chuyển biến

Theo các công ty tư vấn bất động sản cũng như các doanh nghiệp trong ngành, so với các nước khác, thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế thu hút nguồn vốn nước ngoài.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, nhận định những dấu hiệu phục hồi gần đây của thị trường là rất đáng khích lệ. Ông cho rằng trong khi thị trường bất động sản Việt Nam chạm “đáy” của chu kỳ phát triển thì nhiều thị trường khác ở châu Á đang nằm trên đỉnh. Các thị trường đó có thể nguội dần và giảm trong vài năm tới, nhờ đó, Việt Nam có cơ hội thu hút các nhà đầu tư muốn tận dụng giai đoạn phục hồi của thị trường trong nước. Ông MacGregor cũng tin rằng Việt Nam là điểm đến quan trọng trong khu vực Đông Nam Á của các nhà đầu tư bất động sản Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc cũng như từ các nước khác.

Trong một lần chia sẻ với báo giới gần đây, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cũng nhận định thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần. Sự tăng vốn đầu tư của khối ngoại, nhất là từ các nước châu Á, được xem là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản thời gian tới.

Hiện có khá nhiều nhà đầu tư Trung Quốc “ngấp nghé” mua lại các dự án bất động sản trong nước. Theo CBRE Việt Nam, cùng với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, một số nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền vào bất động sản ở miền Trung và họ dành sự quan tâm đặc biệt đối với các dự án nghỉ dưỡng kèm dịch vụ giải trí.

Xu hướng đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông vào bất động sản được giới phân tích đánh giá do thị trường bất động sản ở Trung Quốc và Hồng Kông đang giảm mạnh. Nhiều kênh truyền thông quốc tế thông tin thị trường bất động sản Trung Quốc đang hạ nhiệt.

Tương tự, ở Hồng Kông, theo báo South China Morning Post, vào tháng 5 vừa qua, giới chuyên gia bất động sản tại đặc khu hành chính Hồng Kông dự đoán giá nhà ở tại đây sẽ giảm mạnh do những chính sách kiểm soát chặt chẽ của chính quyền.

Trong khi đó, giới phân tích trong nước cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện nay có sự thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư do giá bất động sản đã giảm 50%, thậm chí hơn. Ngoài ra, nếu các chính sách của Nhà nước tiếp tục ủng hộ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu thì thị trường bất động sản có cơ may hồi phục sớm. Tuy nhiên, để dòng vốn FDI phát triển, ngoài tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, việc chọn lọc các dự án đầu tư có hiệu quả cũng là yếu tố giúp thị trường phát triển bền vững hơn.



DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG