Top

Vi phạm XD sau 2013, không được nộp tiền để tồn tại?

Cập nhật 04/10/2014 08:08

Tất cả công trình xây sai phép, không phép sau ngày 30-11-2013 sẽ không được nộp tiền để tồn tại nữa?

“Những công trình vi phạm xây dựng sau ngày Nghị định 121/2013 có hiệu lực (ngày 30-11-2013) đều không được nộp tiền để tồn tại mà sẽ bị phạt tiền, buộc phá dỡ” - ngày 3-10, một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về dự thảo sửa đổi Nghị định 121/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đang được bộ này lấy ý kiến.

Nghị định 121/2013 hiện hành quy định các công trình xây sai phép, không phép nhưng đáp ứng một số điều kiện thì ngoài việc bị phạt hành chính bằng tiền còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40%-50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép. Sau khi hoàn thành việc nộp phạt, chủ đầu tư được cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Khách sạn Mường Thanh, quận 1, TP.HCM xây sai phép đã tháo dỡ xong phần vi phạm. Ảnh: HTD

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua có nhiều ý kiến không đồng tình với quy định này. Đa số các ý kiến cho rằng việc cho “nộp tiền chuộc để tồn tại” ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã quyết định rà soát và đưa ra hướng sửa đổi như trên.

Như vậy, nếu dự thảo lần này được thông qua thì tất cả công trình xây dựng sai phép sau ngày 30-11-2013 đều không được nộp tiền chuộc để tồn tại (Thông tư 02/2014 hướng dẫn Nghị định 121 không quy định rõ thời hạn - PV). Các công trình sai phép đã hoàn thành trước thời điểm trên chỉ được xem xét cho nộp tiền để tồn tại nếu đảm bảo các điều kiện: Không vi phạm chỉ giới xây dựng; không gây ảnh hưởng các công trình lân cận; xây dựng trên đất không có tranh chấp; chiều cao công trình không vượt quá chiều cao tối đa cho phép theo quy hoạch được duyệt…

Theo một phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, việc không cho “nộp tiền chuộc để tồn tại” như dự thảo lần này đề xuất là hợp lý. Nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu trong ý thức của người dân là “anh vi phạm mà được tồn tại thì tôi cũng sẽ vi phạm”.

DiaOcOnline.vn - Theo PLTP