Ngày 17-6, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Dù được trình để thông qua tại kỳ họp này, nhưng dự thảo Luật Đất đai vẫn bị các ĐB “chê”, và không ít ý kiến đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này, vì còn nhiều bất cập.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, có những dự án công bố xong thì bị bỏ quên, “treo” nhiều năm, “lợi ít, hại nhiều”, không cho dân sản xuất, không cho dân xây dựng nhà ở, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân… nhưng không có ai bị kiểm điểm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật. Đó chính là những vấn đề nhức nhối trong công tác quy hoạch hiện nay nhưng dự thảo luật lại chưa tập trung điều chỉnh một cách căn bản. Bên cạnh đó, nhiều dự án sau khi được phê duyệt nhưng nhiều năm không công bố quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương.
Góp ý vào khoản 3, Điều 48 với quy định “3 năm công bố dự án mà chưa có quyết định thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án, trường hợp cơ quan có thẩm quyền không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 48”, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, quy định này chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính khả thi. Về phía người dân không thể thực hiện được, nếu không có quyền, không hợp tác, chẳng hạn người dân muốn bán nhà, nhưng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không giải quyết vì quy hoạch chưa bị hủy thì làm sao người dân thực hiện quyền bán nhà? Đây là vấn đề thực tế rất vướng, đề nghị Ban soạn thảo xem xét xử lý thì mới đảm bảo tính khả thi của luật”, ĐB Huỳnh Nghĩa góp ý.
Dẫn qui định tại Điều 84 là khu tái định cư phải có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, điều này khó khả thi trong thực tế và lâu nay đây vẫn chỉ là lời hứa suông... Hà Nội có nhiều dự án nên nhu cầu tái định cư rất lớn, và khi xây dựng khu tái định cư sẽ phục vụ cho nhiều dự án, vì thế khu tái định cư có thể tốt hơn đối với nơi ở cũ này nhưng tại kém hơn nơi ở cũ kia. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, để khắc phục tình trạng trên cần thực hiện nguyên tắc ngang giá. Giá tính bồi thường phải đủ mua được mảnh đất tương đương và giá khu tái định cư cũng phải được quy định theo nguyên tắc này.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà cũng đề nghị quy định cụ thể từng trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ theo từng thời điểm từ ngày 18-12-1980 đến trước ngày 15-10-1993, từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 có hạn mức xác định đất ở có vườn, ao cho phù hợp, đảm bảo công bằng cho các trường hợp sử dụng đất hợp pháp nhưng không có giấy tờ hoặc có giấy tờ thừa kế theo kiểu cha truyền, con nối, bằng miệng, theo phong tục, tập quán không thiết lập văn bản, giấy tờ, hoặc giao cho cấp tỉnh căn cứ thực tiễn của địa phương quy định cho phù hợp, để giải quyết những tồn tại do lịch sử để lại của từng địa phương theo từng thời điểm sử dụng.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất. ĐB Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng, nội dung về giá đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này vẫn là một điểm nghẽn, thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, không có bước đột phá căn bản. Các quy định về giá đất trong dự thảo luật vẫn nghiêng nhiều về bảo vệ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu trong việc áp đặt giá đất. Chưa có tiêu chí cụ thể để xác định giá đất, cơ chế định giá đất, vẫn chỉ là Chính phủ quy định khung giá đất, nguyên tắc phương pháp xác định giá đất, sau đó UBND cấp tỉnh căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá đất tại địa phương. Do đó, phải xây dựng một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, nhằm tách bạch cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng vừa thổi còi.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật Xã hội
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: