Top

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh nhìn hiện tượng giấy tờ nhà, đất hiện nay

Cập nhật 09/10/2008 01:00

Nhiều người quan tâm, lo lắng trước rối rắm giấy tờ nhà, đất hiện nay. Sở dĩ người dân lo lắng vì cho đến giờ phút này, phía nhà nước vẫn chưa thống nhất được mà dân thì dù đã có giấy tờ hợp pháp cầm trong tay rồi vẫn nơm nớp lo sợ giấy của mình bị coi là không còn giá trị nữa!

Pháp luật hiện nay quy định có nhiều loại giấy, trong khi Thủ tướng Chính phủ gợi ý chỉ nên dùng một giấy mà thôi và thực tế ở một số địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng...) cũng đã từng hoặc đang “xé rào” bằng việc cấp một giấy. Mỗi nơi làm mỗi kiểu. Biết đâu là đúng, giấy nào có giá trị?!

Về nguyên tắc, hiện nay đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, còn nhà thì do Bộ Xây dựng. Cuối năm 2003, Luật Đất đai mới (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp bút soạn thảo) được Quốc hội thông qua. Luật này quy định tất cả các loại đất (không phân biệt đất trống hay đất có nhà) đều được cấp một giấy duy nhất (thường gọi là “giấy đỏ”); đất có nhà trên đó thì chỉ cần ghi chú thêm phần nhà vào “giấy đỏ” là xong. Nhưng đến cuối năm 2005, với Luật Nhà ở (do Bộ Xây dựng soạn thảo) cũng được Quốc hội thông qua, để xác nhận quyền sở hữu nhà ở, người dân phải xin thêm “giấy hồng”. Như vậy là hai đạo luật ra đời cách nhau hai năm cùng do Quốc hội biểu quyết, lại mâu thuẫn nhau!

Sở dĩ có tình trạng trên là vì các luật, bộ luật tuy danh nghĩa do Quốc hội thông qua nhưng trong quá trình làm luật, các đại biểu Quốc hội đã không tự soạn luật mà các dự án luật đều do các bộ soạn “giùm” Quốc hội. Hầu hết đại biểu ở cơ quan lập pháp đều không phải là người chuyên môn làm luật, không đủ thời gian đầu tư vào việc lập pháp mà có khi chỉ bàn một buổi là xong một luật... Hậu quả là tới chừng đem ra thi hành thì các luật lại chênh nhau. Thực tế trong xã hội vẫn còn tồn tại nhiều loại giấy tờ nhà, đất: các giấy tờ được cấp trước đây, thường gọi là “giấy trắng”. Trong khi hiện nay có luật quy định chỉ cần một thứ “giấy đỏ”, lại có luật quy định phải thêm “giấy hồng”; và tới đây lại sắp có thêm “giấy xanh” nữa. Có người nói nếu nhà và đất đều thống nhất do một bộ của Chính phủ quản lý thì chắc chắn đã không sinh ra cớ sự!

Sống trong môi trường pháp lý rối rắm như hiện nay, ta chợt nhớ lại một yêu cầu thiết tha của Nguyễn Ái Quốc được nêu trong yêu sách chính trị gửi chính quyền thực dân Pháp năm 1919: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”(1). Tinh thần của yêu cầu đó là nhà nước phải quản lý xã hội thống nhất bằng đạo luật của nghị viện - quốc hội. Các đạo luật do cơ quan đại diện toàn dân thảo luận làm ra chứ không để cho các cơ quan hành chính sáng tạo theo ý mình. Vì nếu quyền làm luật mà tùy thuộc nhiều vào bộ máy hành chính thì dễ dẫn đến tình trạng... nay vầy mai khác. Nó xuất phát từ yêu cầu và luôn dành sự thuận lợi cho cán bộ, cơ quan hành chính chứ khó mà trung thành đầy đủ với ý chí, nguyện vọng của dân. Làm luật để phục vụ quyền lợi nhân dân chứ không phải chỉ vì “quyền lợi”, dành thuận lợi cho cán bộ, cơ quan nhà nước.

Đến khi giành được độc lập rồi, trước một số hiện tượng cán bộ hành chính thờ ơ, lạm quyền, Hồ Chí Minh vẫn nghiêm khắc chỉ ra thói xa rời quần chúng, dẫn bộ máy hành chính đến thái độ “hành dân là chính”. Người nhắc nhở: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Đằng này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là vì thói không phụ trách “quá hữu”, gặp sao hay vậy”(2).

Trở lại vấn đề giấy tờ nhà, đất hiện nay. Tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khiến các địa phương lúng túng không biết làm sao, mạnh ai nấy làm, mỗi nơi làm một kiểu, thiệt hại cho dân không biết tới mức nào!

Ta lại nhớ lời dạy của Bác Hồ cách đây 60 năm vẫn còn mang tính thời sự sâu sắc: “Song lại có thái độ xa rời quần chúng, thói không phụ trách “quá tả” là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang”(3)....

Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia, 1995, trang 436.
(2), (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, 1995, trang 246.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP