Top

TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp không mặn mà gói 30.000 tỷ

Cập nhật 25/06/2014 08:22

Nguồn cung căn hộ phù hợp với gói 30.000 tỷ tăng lên nhanh chóng, trong khi đó, số dự án tận dụng được ưu đãi này rất ít, thủ tục vẫn là yếu tố gây trở ngại cho người dân và doanh nghiệp.

Nguồn cung dồi dào


Tính đến hết quý I/2014, tại TP.HCM có 25 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (NOXH) nhưng mới có 6 dự án có quyết định chấp thuận. Trong số 6 dự án NOXH này, hiện chỉ có 1 dự án của Công ty Cổ phần TV -TM -DV Địa ốc Hoàng Quân khẩn trương xây dựng.

Trái ngược với NOXH, nhiều dự án nhà ở thương mại đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bán hàng để tận dụng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ. Theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không được vay ưu đãi chỉ có khách hàng mua căn hộ thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu/m2 được vay gói này. Việc giải quyết được gánh nặng tài chính cho những khách hàng chưa đủ tích lũy góp phần làm tăng lực cầu mua nhà.


Các dự án có căn hộ phù hợp gói 30.000 tỷ đa phần tọa lạc tại những khu vực khoảng cách khoảng 10km từ trung tâm thành phố. Khu Tây là khu vực tập trung khá nhiều dự án: Ehome 3, Topaz Garden, chuỗi căn hộ 8X, Hưng Ngân Garden, Tecco Green Nest, First Home, Green Park …Ở các khu vực khác, có thể kể đến HQC Plaza, Sunview Town, Ehome 4, Dream Home, Lotus Thủ Đức, Emerald Apartment…

Bên cạnh những doanh nghiệp trong nước có thế mạnh về nhà giá rẻ như Hưng Thịnh, Nam Long, Đất Xanh, Hoàng Quân…, các nhà đầu tư nước ngoài đã “lấn sân” vào phân khúc này. Những thương vụ hợp tác đầu tư gần đây giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước có thể kể đến: Indochina Capital hợp tác với Nam Long Group đầu tư vào dự án Ehome 3; IDE hợp tác với Hòa Bình đầu tư vào khu căn hộ Green Park, N.H.O hợp tác với Hợp tác xã Gia Phú đầu tư vào dự án First Home HCM… Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt sẽ mang lại cho khách hàng thêm nhiều sản phẩm để lựa chọn.

Tại sao doanh nghiệp nói không?

Thống kê sơ bộ tại TP.HCM, việc giải ngân gói 30.000 tỷ vẫn còn ì ạch, số lượng dự án được giải ngân không nhiều. Trong đó, dự án HQC Plaza đã được giải ngân 260 tỷ, dự án Ehome 3 & 4 đã có 176 hồ sơ được duyệt vay, Hưng Ngân Garden có gần 200 khách hàng vay được gói 30.000 tỷ, nhiều hồ sơ vay của các dự án khác vẫn đang trong giai đoạn thẩm định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng, việc chậm giải ngân gói 30.000 tỷ do nhiều nguyên nhân. Ngoài vấn đề thủ tục, đối tượng được vay ưu đãi vẫn còn hạn chế. Theo ông Châu, cần mở rộng đối tượng, có cơ chế để những người kinh doanh nhỏ lẻ có thể được vay vốn dễ dàng hơn, thời hạn vay nên kéo dài 15 – 20 năm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM nêu quan điểm, nhu cầu thị trường với căn hộ giá rẻ, diện tích nhỏ khá lớn nên thanh khoản phân khúc này khá tốt. Mặc dù căn hộ đủ điều kiện vay ưu đãi gói 30.000 tỷ nhưng doanh nghiệp này không tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn. Việc giới thiệu mua căn hộ được vay vốn gói 30.000 tỷ đôi khi lợi bất cập hại. Khách hàng không vay được lại quay sang phàn nàn chủ đầu tư, môi giới.

Một doanh nghiệp khác có dự án vừa xin chuyển từ chung cư thương mại sang NOXH, mừng chưa bao lâu đã thấy lo. Bà chủ doanh nghiệp cho biết, khách hàng quan tâm thì nhiều, nhưng đối tượng hưởng lương nhà nước thu nhập từ lương không đủ chứng minh khả năng trả nợ. Tưởng rằng, chuyển sang NOXH là lối thoát nhưng thực tế không phải dự án nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.

Ông Huỳnh Anh Dũng, giảng viên cao cấp Hội đồng chuyên gia BĐS Hoa Kỳ, nhận định, gói 30.000 tỷ thời gian qua chưa phát huy tác dụng như kỳ vọng. Mỗi doanh nghiệp, dự án hiện nay đều có chiến lược hướng đến nhóm đối tượng khách hàng riêng nên không phải ai cũng mặn mà với vốn vay ưu đãi có điều kiện. Thực tế cho thấy, căn hộ thương mại giá rẻ vẫn là phân khúc có sự chuyển biến mạnh về thanh khoản trong khi NOXH thì rất ít dự án triển khai.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet