Top

TP.HCM ngập do thiếu vốn, sụt lún

Cập nhật 14/10/2014 09:28

UBND TP sẽ nghiên cứu một quỹ mới cho người dân tiếp cận vốn vay để xây sửa lại nhà, ổn định cuộc sống khi đường, hẻm trước nhà được nâng cao.

“Để chống ngập, năm 2014 TP cần hơn 1.900 tỉ đồng nhưng trung tâm chỉ được giao 608 tỉ đồng. Việc chậm bố trí vốn làm các công trình chống ngập chưa thể triển khai khiến việc xóa ngập cho TP.HCM không thể thuyên giảm” - Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) báo cáo với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, ngày 13-10.

Thiếu hàng ngàn tỉ đồng chống ngập

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập, cho biết hiện các công trình chống ngập trên TP đang thiếu vốn nghiêm trọng. Cụ thể, dự án chống ngập cho đường Kinh Dương Vương, từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) có tổng mức đầu tư hơn 315 tỉ đồng đã không kịp khởi công trong năm 2013 vì không được ghi vốn. Tới khi được ghi vốn trong năm 2014 thì lại vướng quy định mới, phải chờ Bộ Xây dựng thẩm định (theo Thông tư 10/2013 của Bộ Xây dựng - PV) nên tới nay dự án mới thi công được một đoạn ngắn, từ cầu Ông Buông tới Công viên Phú Lâm. Sáu công trình chống ngập mà trung tâm đã đăng ký (đường Nguyễn Văn Quá, quận 12; đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9…) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết hiện nhiều dự án ngăn triều chống ngập cho TP cũng không có vốn thực hiện. Đó là dự án cống kiểm soát triều Rạch Tra (huyện Hóc Môn và Củ Chi), dự án Vàm Thuật… Riêng dự án xây tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh (149 km, tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng) đang được TP xem xét vận động nguồn vốn đầu tư theo các hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) hoặc PPP (hợp tác công tư).

Triều cường đạt đỉnh 1,68 m khiến nước ngập sâu trên đường Bến Phú Định (quận 8) ngày 10-10. Ảnh: M.QUÝ

Hỗ trợ dân nâng nhà chống ngập

Theo ông Lê Thanh Liêm, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM, ngoài việc thiếu vốn xây cống, nâng đường, TP.HCM còn ngập nặng do sụt lún nền đất. Theo quan trắc, khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm liên tục sụt lún 2 cm mỗi năm và tốc độ lún sụt ngày càng gia tăng. “Lún mặt đất ở TP đang rất trầm trọng nhưng hiện vẫn chưa có đánh giá, kết luận cụ thể. Việc này khiến các dự án chống ngập của TP chưa phát huy hiệu quả” - ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, đồng tình.

Trước việc ngập lún nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường, một số quận, huyện ở TP.HCM đang chống ngập theo “phong trào” nâng đường. Thế nhưng điều kiện kinh tế của người dân không thể theo cuộc đua nâng đường - nâng nhà. Vậy TP đã có hỗ trợ gì cho người dân?

“Hiện các cơ quan chức năng có chủ trương nâng đường, nâng hẻm để giảm ngập. Quả thật đường, hẻm không còn bị ngập nhưng nước lại đổ dồn vào nhà dân. Lâu nay TP.HCM đã có nguồn quỹ cho người dân khó khăn vay vốn xây, sửa nhà thoát khỏi ngập (quỹ quay vòng vốn để nâng cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp đô thị, do Ngân hàng Thế giới tài trợ - PV). Tuy nhiên, đến cuối năm nay thì nguồn quỹ này bị thu hồi nên người dân nghèo sẽ không thể vay tiền để nâng nhà” - ông Liêm chia sẻ.

Ông Liêm cho hay UBND TP sẽ nghiên cứu một quỹ mới cho người dân tiếp cận vốn vay để xây sửa lại nhà, ổn định cuộc sống khi đường, hẻm trước nhà được nâng cao. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết các ngành, địa phương cần kiểm tra, rà soát những hộ nghèo nằm ở khu vực có đường nâng, hẻm nâng để có những hỗ trợ cụ thể.

Chậm do triển khai cùng lúc nhiều gói thầu

Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm chậm là do cùng lúc triển khai nhiều gói thầu dẫn đến việc chồng lấn lẫn nhau. Việc triển khai cùng lúc nhiều gói thầu là do hiện nay chỉ còn ba tháng nữa là hết năm, nếu không tận dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới thì qua năm sẽ không được giải ngân.

Dự án hiện đã thực hiện xong phần cống hộp, còn phần cống hở dài 4,3 km đã thi công được 83%, dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm thi công xong có giải quyết dứt điểm tình trạng ngập hay không. Vì hiện nay, mỗi khi mưa ở các quận Tân Phú, Bình Tân, 11 thì lượng nước này đổ dồn về cuối kênh, mà địa hình khu vực này tương đối thấp nên sẽ gây ngập khu vực xung quanh.

Ông LÊ THANH LIÊM, Trưởng ban Quản lý đầu tưxây dựng công trình nâng cấp đô thị


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP