Top

TP Hồ Chí Minh: Kho bãi bị bỏ hoang đến xót ruột

Cập nhật 06/09/2009 08:55

Mặt bằng 538 Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) có gần 14.000 m2 đang bị bỏ trống. (Ảnh chụp ngày 23-7) Ảnh: N.Nam.

TP.HCM có 3,7 triệu m2 đất bị bỏ hoang và đầu tư chậm.

Sáng nay (6-9), HĐND TP phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện chương trình “Nói và Làm” với chủ đề: Hệ thống kho bãi trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng và giải pháp.

Người dân luôn bức xúc trước chuyện lãng phí kho bãi nên đây vẫn luôn là đề tài nóng bỏng dù không phải là vấn đề mới lạ.

Trong tháng 7, cả Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND TP đã tổ chức gần mười cuộc giám sát về tình hình sử dụng kho bãi. Riêng Đoàn ĐBQH TP đã giám sát kho bãi của năm cơ quan là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Điện lực, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Dệt may Gia Định, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn.

Điều gây bất ngờ nhất với đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH TP khi làm việc với Tổng Công ty Lương thực miền Nam là có tới 26 địa chỉ nhà, đất đã bị lấy giao cho người khác sử dụng hồi nào mà đơn vị này... không biết. Theo báo cáo, đơn vị này chỉ xin giữ lại tiếp tục sử dụng hơn 162.000 m2 đất, còn khoảng hơn 170.000 m2 xin chuyển mục đích sử dụng đất, bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất.

Tổng Công ty Dệt may Gia Định có 72 địa chỉ (trên 368.500 m2) nhưng quản lý và sử dụng chưa hiệu quả. Riêng địa chỉ 527 Âu Cơ (quận Tân Bình) đã được phê duyệt bán đấu giá và chuyển quyền sử dụng nhưng một năm nay đơn vị này chưa làm. Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP, phải thốt lên: “Nếu là tài sản của mình thì không ai làm vậy. Chính vì đây là tài sản nhà nước nên không ai xót cả”.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường về 410 khu đất (hơn 6,3 triệu m2) do các tập đoàn, tổng công ty quản lý cho thấy chỉ có hơn 2,5 triệu m2 (gần 40%) diện tích đất sử dụng đúng mục đích. Đất chưa sử dụng do để hoang và đầu tư chậm là hơn 3,7 triệu m2.

Cũng trong tháng 7-2009, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP lại tiếp tục giám sát tình hình sử dụng kho bãi ở quận 8 và Bình Tân. Rất nhiều mặt bằng lớn của những đơn vị tên tuổi bị bỏ trống.

Tiêu biểu như kho nằm trên đường Hồ Học Lãm (hương lộ 5 cũ, phường 16, quận 8) của Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC) với diện tích 20.000 m2 bị bỏ trống gần bốn năm nay, nước ngập trắng. Mặt bằng 538 Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) của Xí nghiệp Phân bón An Lạc 1 có diện tích gần 14.000 m2, Kho số 52 Kinh Dương Vương của Công ty Bảo vệ thực vật II với diện tích hơn 3.000 m2 cũng tương tự. Xưởng chế tạo máy Sinco có hơn 26.000 m2 nhưng chỉ có 600 m2 đang sử dụng, còn lại là cỏ hoang mọc...

Ông Huỳnh Công Hùng - Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách đã nhận xét: “Trong khi quận Bình Tân đang thiếu trường học thì trong quận lại có nhiều mặt bằng lớn và đẹp nhưng lại bị bỏ trống hoặc có ý định chuyển đổi mục đích sử dụng”.

Theo ông Huỳnh Văn Biết, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, khi quận đi kiểm tra thực tế, một số cơ quan không hợp tác, không cho ghi hiện trạng, một số đơn vị đóng cửa không tiếp...
 

Chỉ 600/26.000 m2 thuộc xưởng chế tạo máy Sinco (574 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân) được sử dụng, còn lại dành cho... cỏ hoang. (Ảnh chụp ngày 23-7) Ảnh: N.Nam.

 

Đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa: Giải quyết chưa đủ mạnh
 

 

Tình trạng sử dụng kho bãi, mặt bằng tại TP.HCM hiện lãng phí rất lớn. Hầu như kỳ họp HĐND nào vấn đề này cũng được đưa ra chất vấn, báo chí cũng nhiều lần lên tiếng. Mỗi lần như vậy cũng có kiểm tra, giải quyết nhưng sau đó lại êm xuôi, chứng tỏ việc giải quyết chưa đủ mạnh.

Thời gian gần đây, TP và trung ương nỗ lực kiểm tra, phát hiện, giải quyết và thu hồi một số mặt bằng, kho bãi. Nhưng đó chỉ là một số trường hợp điển hình. Mặt bằng, kho xưởng đụng chạm đến quyền lợi rất lớn của một số cá nhân, nhóm người nên họ vẫn cố giữ lại dù sử dụng không đúng mục đích.

Đại biểu HĐND Nguyễn Đăng Nghĩa: Cần sự can thiệp mạnh của trung ương

 

Hầu hết các kho bãi, mặt bằng lãng phí hiện nay là của các cơ quan thuộc trung ương “xí phần” rồi để đó hoặc cho thuê lại. Việc này cần phải có sự can thiệp mạnh của Chính phủ, các bộ ngành liên quan. Hoặc trung ương trực tiếp thu hồi rồi giao cho TP sử dụng hoặc giao cho TP thẩm quyền được thu hồi, đấu thầu. Hiện nay TP đang thiếu đất, thiếu mặt bằng rất nhiều để sử dụng vào các công trình dân sinh, xã hội như trường học, cơ sở y tế. Đất tái định cư cũng thiếu, người dân phải sống trong cảnh tạm cư, tại sao lại để nhiều mặt bằng, kho bãi lãng phí một cách vô lý như vậy được?

Đại biểu HĐND Võ Văn Sen: Phải có mốc thời gian dứt điểm

Việc này TP cần phải quyết tâm hơn nữa. Những mặt bằng do trung ương quản lý, TP không can thiệp được thì phải làm việc với Chính phủ và các bộ ngành để kiến nghị giải quyết dứt điểm. Đó là tiền của của dân, chậm một năm là lãng phí biết bao nhiêu. Hiện nay TP vẫn chưa quyết liệt với việc này. Không thể cứ kéo dài như vậy hoài. TP phải đưa ra một mốc thời gian cụ thể, bao giờ giải quyết xong các mặt bằng, kho bãi bị sử dụng lãng phí và công bố cho dân biết. Có như vậy mới có quyết tâm để chấm dứt tình trạng này.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP