Thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông ở TP. HCM được khẩn trương đầu tư xây dựng. Giới kinh doanh địa ốc kỳ vọng, sự bứt phá của cơ sở hạ tầng sẽ mở lối cho thị trường bất động sản phát triển.
Khu Tân Cảng trong tương lai gần sẽ có thêm khu đô thị hiện đại, cao cấp
|
Theo khảo sát của Công ty Savills, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường bất động sản TP. HCM gần đây và trong thời gian tới là sự phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Trong đó, nổi bậc nhất ở khu vực phía Đông Thành phố là nhiều công trình hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ được đưa vào hoạt động.
Cụ thể, hầm Thủ Thiêm và đường Võ Văn Kiệt, cầu Sài Gòn 2 hiện đã hoàn chỉnh, nối liền khu vực quận 2, quận 9 với trung tâm TP. HCM. Tại quận Thủ Đức, Dự án đường Phạm Văn Đồng giai đoạn 1 được đưa vào sử dụng, dự kiến cuối năm nay, toàn tuyến đường này sẽ chính thức hoàn thành, nối khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức. Một loạt tuyến đường từ quận 2, quận 9 nối với quận 7 bằng cầu Phú Mỹ, nối với trung tâm TP. HCM qua Đại lộ Võ Văn Kiệt đã được khơi thông.
Mới đây, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đã thông xe giai đoạn 1, giúp cho việc di chuyển từ TP. HCM đi Long Thành chỉ khoảng 15 phút. Hiện tại, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro đầu tiên được xây dựng tại TP. HCM với tổng giá trị đầu tư hơn 47.320 tỷ đồng, có tổng chiều dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, đang được khẩn trương xây dựng đã có tác động khá lớn đến thị trường bất động sản khu vực này.
Khu Nam Sài Gòn cũng được đẩy mạnh phát triển hạ tầng với hàng loạt công trình giao thông. Theo kế hoạch, Thành phố đang chuẩn bị khởi công cầu dây văng Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với huyện Nhà Bè, TP. HCM.
Tương tự, cầu Phú Định, hạng mục quan trọng của tuyến Vành đai 2 nối liền các khu đô thị phía Nam và Tây TP. HCM sẽ được khởi công trong năm nay.
Cầu Phú Định thuộc Dự án xây dựng khép kín đường Vành đai 2 phía Tây Thành phố (địa bàn các quận 8, Bình Tân, Bình Chánh) dài 5,3 km và rộng 60 m, sẽ nối liền 2 bờ sông bằng cầu Phú Định có tổng vốn đầu tư 6.060 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 4.200 tỷ đồng.
Không ít công trình hạ tầng khác cũng được Thành phố chuẩn bị xây dựng theo định hướng quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 là phát triển thành “thành phố mở”, tập trung nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, công trình đầu mối giao thông liên vùng để gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nhấn của thị trường bất động sản năm 2014 là sự bứt phá của hạ tầng. Những nơi nào có chính sách phát triển hạ tầng tốt sẽ kéo theo điểm nhấn của thị trường, trong đó khu Đông TP. HCM là một trong những điểm nhấn.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, sự bứt phá của hạ tầng đã khiến không ít doanh nghiệp địa ốc mạnh dạn bơm vốn vào các dự án. Mới đây, Tập đoàn Vingroup khởi công Dự án Vinhomes Tân Cảng, tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, nhằm biến khu đất trên diện tích gần 43 héc-ta trải dài theo bờ sông Sài Gòn thành một khu đô thị hiện đại và cao cấp bậc nhất Việt Nam.
Tập đoàn Bitexco đang lên kế hoạch chi hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng khu Bình Quới - Thanh Đa thành khu thương mại - du lịch - vui chơi giải trí, giáo dục và công nghệ cao tầm cỡ quốc tế. Dự án Đại Quang Minh có quy mô 37 héc-ta tại quận 2 do CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đang được đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng.
Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, hạ tầng và bất động sản có mối liên hệ mật thiết với nhau, bởi sự phát triển của hạ tầng sẽ làm gia tăng giá trị bất động sản. Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng lợi thế hạ tầng để phát triển các dự án bất động sản, phía Đông và Nam TP. HCM đang là lựa chọn khá tốt hiện nay, vì đây là những khu vực cửa ngõ của Thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: