Top

"Tòa nhà của ban quản lý hồ Gươm đảm bảo quy hoạch"

Cập nhật 31/05/2010 08:10

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, công trình số 2 Lê Thái Tổ đảm bảo quy hoạch để cho phép xây dựng. Không nên xẻ lẻ khu đất này để làm vườn hoa.

* Sau khi công trình số 2 Lê Thái Tổ khởi công, nhiều chuyên gia quy hoạch kiến trúc đã có ý kiến phản đối việc xây dựng nhà văn phòng tại vị trí này, ý kiến của ông như thế nào?


Dự án có diện tích hơn 200m2 đất, toàn bộ quy trình thực hiện theo đúng quy định của thành phố Hà Nội và Chính phủ. Từ năm 2005, thành phố đã có quyết định thành lập Ban quản lý hồ Gươm song chưa có trụ sở, ảnh hưởng đến hoạt động của ban. Do vậy, cần thiết phải xây dựng trụ sở để cơ quan này hoạt động hiệu quả.

Văn bản của UBND quận Hoàn Kiếm đã làm rõ các quy trình xây dựng, trong đó có thỏa thuận về quy hoạch với Sở Quy hoạch kiến trúc từ năm 2006. Qua nghiên cứu quy hoạch hồ Gươm và các vùng phụ cận cho thấy lô đất số 2 Lê Thái Tổ là đất ở và dịch vụ công cộng.

Trong quy hoạch cũng cho phép xây dựng cải tạo chỉnh trang công trình trên một số tiêu chí như mật độ xây dựng không quá 84%, tầng cao trung bình của cả ô phố là 2, 3 tầng, chiều cao không quá 16 m. Như vậy, dự án tại số 2 Lê Thái Tổ đảm bảo quy hoạch để cho phép xây dựng.


Khu đất số 2 Lê Thái Tổ được xây dựng thành nhà văn phong 3 tầng, 1 tum. Ảnh: Đoàn Loan.

* Một số ý kiến lo ngại công trình số 2 Lê Thái Tổ sẽ ảnh hưởng cảnh quan hồ Gươm và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quan điểm của ông thế nào?

Qua nghiên cứu về chuyên môn, cả ô phố có dự án cần được kiện toàn không gian, kiến trúc cảnh quan. Với hiện trạng cũ là công trình 1-2 tầng đã xuống cấp, làm xấu cảnh quan, khá lộn xộn nên cần phải chỉnh trang, xây dựng công trình mới. Ngoài ra, các tòa nhà Long Vân, Hồng Vân và nhà dân khá lộn xộn đang quay lưng vào khu đất gây mất mỹ quan, nên cần có công trình mới che khuất các điểm xấu này. Do vậy, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đồng ý với chủ trương của quận Hoàn Kiếm để tạo ra bề mặt kiến trúc đồng bộ, tạo một ô phố hoàn chỉnh hơn.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có các ô phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào, Hàng Bông tạo nền, ô phố có lô đất số 2 Lê Thái Tổ cũng sẽ tạo nền cho quảng trường.

* Tuy nhiên, xây thêm văn phòng tại những khu đất hẹp càng làm tăng mật độ xây dựng tại trung tâm, trong khi chủ trương của thành phố là giảm mật độ xây dựng. Ông giải thích thế nào về điều này?

Nhiều tòa nhà quanh hồ Gươm đã được xây dựng với mật độ 100%, có công trình phải hạ độ cao song không có ai nói đến. Còn dự án này có mật độ 79%, còn xây lùi so với chỉ giới hơn 2 m, phù hợp theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

* Có ý kiến nên xây dựng vườn hoa tại số 2 Lê Thái Tổ để tạo không gian xanh cho thành phố?


Theo tôi không nên xẻ lẻ khu đất số 2 Lê Thái Tổ để làm vườn hoa. Nếu có chủ trương làm vườn hoa thì phải biến cả ô phố hình tứ giác bên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thành vườn hoa. Không phải cứ xé lẻ khu đất này làm vườn hoa mới làm đẹp cho quảng trường.

* Tại sao dự án này không có ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bởi khu vực hồ Gươm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia?

Khu đất này không thuộc đối tượng bảo tồn tôn tạo. Theo quyết định 92 năm 1980 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các di tích như đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm đã được xếp hạng, còn khhu đất xây dựng Ban quản lý khu vực hồ Gươm vẫn được phép chỉnh trang, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

* Có ý kiến lo ngại rằng nhiều công sở nhà nước tại vị trí đắc địa sẽ bị sử dụng sai mục đích, như trên tầng tum công trình văn phòng số 2 Lê Thái Tổ sẽ làm quán ăn, ông nghĩ sao?

Sử dụng công sở sai mục đích là vi phạm pháp luật. Khi phê duyệt dự án không cho phép kinh doanh trên nóc tòa nhà này. Tuy nhiên, sau này họ có thể kinh doanh nếu phù hợp cảnh quan và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Mới đây, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam đã gửi thư tới lãnh đạo thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm về việc xây dựng tòa nhà Ban quản lý khu vực Hồ Gươm: "Hồ Gươm, một di tích - thắng cảnh quan trọng của Hà Nội cần được quản lý tốt là điều cần thiết. Nhưng có nhất thiết phải có một trụ sở đặt tại vị trí này hay không. Kinh nghiệm cho thấy ở những vị trí "đắc địa" này các công trình của nhà nước không mấy khi sử dụng đúng công năng mà cuối cùng trở thành địa điểm dịch vụ cho những lợi ích cục bộ là chủ yếu.

Với không gian tuy không lớn này, nên ưu tiên sử dụng vào những mục đích làm tăng thêm hàm lượng văn hóa và môi trường sinh thái hơn là mặt sàn kiến trúc. Ví như tại đây, chúng ta có thể trồng cây, làm vườn hoa tạo nên một tiểu cảnh nhỏ, kèm theo một bức tượng bán thân với kích thước thích hợp nhân vật Lương Văn Can gắn với Đông Kinh Nghĩa Thục, phố Hàng Đào, truyền thống Duy Tân... thì chắc chắn phù hợp hơn là xây một tòa nhà làm trụ sở hay dịch vụ".


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress