Top

Tín dụng nhà ở xã hội: Gặp khó với tài sản thế chấp

Cập nhật 11/08/2013 09:10

 Sáng 9/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì phiên họp thứ XI của Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS).
Tại cuộc họp, các vấn đề như kết quả triển khai các chương trình nhà ở trọng điểm, tình hình thị trường, các biện pháp giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là kết quả điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (NƠXH), tình hình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, đã được đưa ra phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Tiếp tục rà soát

Theo thống kê, hiện số lượng dự án phát triển nhà ở của các địa phương là 3.742 dự án. Để thực hiện hết các dự án này cần số vốn đầu tư ước tính lên đến 3.534.896 tỷ đồng. Qua rà soát, tổng dự án được tiếp tục triển khai là 2.984 với tổng diện tích đất 76.879ha. Theo báo cáo của 38 địa phương, đến nay, có 411 dự án cần tạm dừng triển khai, chiếm tỷ lệ 11% tổng số dự án. Riêng TP Hồ Chí Minh có 322 dự án tạm dừng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, số dự án tạm dừng còn quá ít so với tình hình thực tế. Nguyên nhân được nhìn nhận là do nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc rà soát và phân loại dự án theo yêu cầu của Chính phủ tại Chỉ thị 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS và Nghị quyết số 02/NQ-CP  về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp nhằm giảm cung nhà ở thương mại mà cụ thể là tạm dừng không triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa GPMB hoặc GPMB dở dang (đạt dưới 30% diện tích của dự án) tại tất cả các địa phương trên cả nước theo danh mục đã báo cáo. Ngay cả với các dự án đã GPMB nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương, Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm, chuyển mục đích tạm thời sang làm bãi đỗ xe, kho tàng…, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đang được triển khai. Ảnh: Linh Anh.

Sớm tháo gỡ những vướng mắc

Đề cập tới việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, người dân rất chờ đợi gói tín dụng này, nhưng đã có biểu hiện thất vọng do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua thực tế, có thể thấy, khó khăn trong việc xác định khả năng trả nợ của hộ gia đình, cá nhân là một vấn đề đang "nóng". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện nay, các phòng công chứng không công chứng để thế chấp căn hộ thu nhập thấp làm tài sản đảm bảo vốn vay với lý do NƠXH không được bán trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phân tích, theo quy định, trong vòng 10 năm, căn hộ của các dự án NƠXH vẫn được bán với điều kiện người mua có đủ điều kiện để  mua NƠXH và được phép bán cho chủ đầu tư. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết thêm, dự thảo thông tư mới về NƠXH, thời hạn 10 năm đã được rút ngắn xuống còn 5 năm.

Về kết quả giải ngân của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, đến thời điểm 31/7/2013, đối với tổ chức, đã có 2 doanh nghiệp được vay vốn, với số tiền 657,7 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho Công ty CP Vicoland 34 tỷ đồng. Hàng chục dự án khác đang được thẩm định và sẽ được giải ngân trong thời gian tới. Với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho 150 khách hàng vay với số tiền hơn 46 tỷ đồng, đã giải ngân 33,46 tỷ đồng cho 139 khách hàng. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tăng tính minh bạch cho thị trường BĐS. Phó Thủ tướng khẳng định: Phát triển nhà ở cho thuê là định hướng phải thực hiện trong thời gian tới. Cùng với đó, để kích cầu thị trường, cần tiếp tục triển khai đồng bộ tất cả các chương trình nhà ở trọng điểm. Những vướng mắc trong triển khai NQ 02, Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn, bổ sung từng vấn đề và tiếp tục kiểm điểm hàng tháng, kịp thời và quyết liệt xử lý cho từng đầu việc.


Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, việc công chứng từ chối công chứng liên quan đến hoạt động thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, tài sản hình thành từ vốn vay là có lý do. Đối tượng vay là người có thu nhập thấp muốn thế chấp bằng chính căn hộ mua của các dự án NƠXH nhưng chính chủ đầu tư cũng đã sử dụng dự án NƠXH để thế chấp vay vốn triển khai dự án. Không thể sử dụng cùng một tài sản thế chấp hai lần.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Kinh tế và Đô thị