Top

Tiếp vụ Tòa nhà CT8, chung cư Đại Thanh: Chủ đầu tư “phủi” trách nhiệm

Cập nhật 01/11/2013 14:17

Sáng 31/10, cư dân mua nhà tại dự án chung cư Đại Thanh đã nhận được văn bản trả lời của chủ đầu tư là Xí nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. Theo cư dân chung cư Đại Thanh, với văn bản này, chủ đầu tư đã chính thức “phủi” hết trách nhiệm.


Cư dân Đại Thanh tiếp tục phản đối cách trả lời “phủi” trách nhiệm của chủ đầu tư.  Ảnh: PV

Diện tích thực bé hơn diện tích hợp đồng

Cư dân chung cư Đại Thanh cho rằng, với văn bản số 361/2013/CT8-DN ký ngày 24/10 chủ đầu tư tiếp tục bác bỏ những kiến nghị chính đáng của họ. Theo văn bản trả lời, chủ đầu tư cho rằng, về phần diện tích căn hộ: “Doanh nghiệp đã xây dựng và bàn giao căn hộ theo đúng hồ sơ thiết kế, theo đó diện tích sàn căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia của căn hộ được tính theo kích thước tim tường chung và toàn bộ bao ngoài của căn hộ (tim bì, tức là tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài tòa nhà)”.

Với trả lời này, nhiều hộ dân có ký hợp đồng là tính diện tích theo kích thước “tim tim” (tim tường riêng và tim tường chung, tường bao ngoài của căn hộ - PV) đã lên tiếng. Họ cho rằng, theo quy định của Bộ Xây dựng thì diện tích căn hộ chỉ được tính theo hai công thức là “tim tim” và “thông thủy” (phần diện tích thực bên trong của căn hộ) chứ không hề có cách tích “tim bì” như chủ đầu tư trả lời. Cư dân Phạm Anh cho rằng, hợp đồng căn hộ của anh ký với chủ đầu tư tính diện tích theo kích thước “tim tim”. “Với cách tính này thì không biết chủ đầu tư có đòi thêm tiền với diện tích chênh lệch so với cách tính nêu trên hay không, bởi diện tích tính theo “tim bì” bao giờ cũng lớn hơn cách tính “tim tim”?” – anh Anh đặt vấn đề. Cùng đó, trên thực tế phần lớn các hộ dù ký hợp đồng là “tim tim” hay “tim bì” thì diện tích thực vẫn bé hơn diện tích ký trên hợp đồng.

Về phần thuế VAT, trong khi người mua nhà cho rằng, thuế GTGT là “đánh” vào đầu cuối, ở đây chính là người mua nhà và việc giảm thuế GTGT là giảm cho người dân, doanh nghiệp chỉ là đơn vị thu hộ, nộp hộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại lập luận: “… việc giảm 50% thuế GTGT đối với nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư… Về việc này, doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của Luật thuế GTGT, Nghị định 92/2013/NĐ-CP…”.

Trước đây, khi giải thích cho người mua nhà, ông Lê Ngọc Anh, Phó Giám đốc Xí nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cho rằng, giảm thuế là giảm cho doanh nghiệp chứ không phải giảm cho người mua. Với trả lời này, người mua nhà ở chung cư Đại Thanh đặt vấn đề, trong toàn bộ số tiền các đợt đóng tới trước khi nhận nhà, chủ đầu tư đã thu của dân 10% thuế GTGT, nếu theo cách giải thích của chủ đầu tư thì chả nhẽ đơn vị này được “ăn” một nửa tiền… thuế đó? Về vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Minh, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng phải đợi tới lúc chủ đầu tư thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn thì mới đủ cơ sở khẳng định đơn vị này có vi phạm hay không. Ông Minh cũng đồng quan điểm khi cho rằng thuế GTGT là doanh nghiệp thu và nộp hộ, cùng đó, cần phân biệt rõ thuế GTGT và thuế Thu nhập doanh nghiệp. Nếu quy định giảm một nửa mà chủ đầu tư thu cả nhưng lại xuất hóa đơn một nửa thì cư dân có đủ căn cứ để lên tiếng. Theo ông Minh, hiện các hộ dân mới nhận được biên lai nộp, thu tiền chứ chưa có hóa đơn GTGT.

Phân loại rác để kiếm tiền?

Cũng trong văn bản trả lời này, chủ đầu tư lên tiếng “bao biện” cho việc thu tiền “rác” từ 500.000-2.000.000 đồng/hộ là khoản tiền mà người mua nhà cho rằng chủ đầu tư “bắt chẹt” người nghèo. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Pháp chế Xí nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên thì số tiền này đơn vị dùng để thuê xe xử lý rác. Tuy nhiên, khi văn bản này tới tay, người dân đã phẫn nộ thì chủ đầu tư “nắn” lại và “xuống nước”: “Hộ gia đình nào có nhu cầu được doanh nghiệp trực tiếp thu gom rác thải đến nơi theo quy định thì vẫn nộp tiền theo thông báo. Trường hợp, các hộ gia đình tự thu xếp được thì sau khi sửa chữa nhà theo nhu cầu phải tự đi đổ rác ra khỏi khu đô thị”.

Tuy nhiên, dù “xuống nước”, chủ đầu tư không quên kèm theo cảnh báo: “Việc bị cơ quan chức năng phạt vi phạm do đổ rác thải từ việc sửa chữa nhà sai quy định do khách hàng chịu trách nhiệm. Trường hợp đổ rác bừa bãi trong khu đô thị hoặc đổ vào hố rác thải dùng chung cho sinh hoạt của khu căn hộ nếu bị phát hiện thì chủ đầu tư có quyền phạt theo quy định”. Đáp trả lại ý kiến của chủ đầu tư, người mua nhà cho rằng, thay vì mất thời gian ngồi nghĩ ra cách để lấy tiền của khách hàng thì chủ đầu tư nên nghĩ cho những người mua nhà, những “Thượng đế” đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này được thuận lợi với căn nhà mua từ mồ hôi, công sức tích cóp cả đời của họ.

“Rác thải là rác thải, đằng này họ lại còn phân loại ra nào là rác sinh hoạt, rác cải tạo nhà. Đáng nhẽ người ta đã bỏ hàng trăm triệu, hàng tỷ mua hàng thì chủ đầu tư phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để cư dân có căn nhà đẹp nhất, có điều kiện sinh hoạt tốt nhất thì mới “phải đạo”, đằng này…” – chủ một căn hộ tòa CT8 chung cư Đại Thanh bức xúc.

DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình