Đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng chợ mới nhằm đưa tiểu thương ở các chợ tạm về kinh doanh, hình thành trung tâm thương mại. Nhưng chợ quy hoạch thiếu hợp lý nên chợ cũng như không.
Chợ mới xây dựng khang trang đã sớm thành “chợ chiều”. Tiểu thương rời bỏ, quay lại chợ tạm, lấn chiếm cả lòng đường để buôn bán. Nghịch lý đang diễn ra ở một số xã thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.
Chợ vắng tiểu thương
Buổi sáng, nhưng chợ Quảng Lợi ở thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) chẳng khác nào cảnh chợ chiều. Những ki-ốt chung quanh chợ khóa kín, cửa hoen rỉ, bụi bám dày trên các sạp hàng cho thuê. Không có người đến mua, vài tiểu thương ngồi nhìn nhau. Bà Phạm Thị Hóa, chủ hàng rau quả than thở: “Chợ gì mà chán quá, không bán được gì lại mất công gánh ra lại gánh vào. Chắc phải quay lại chợ Đầm…”.
Chợ Quảng Lợi xây dựng với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng, quy mô hai tầng, tổng diện tích sàn sử dụng 600m2 với khoảng 100 ki-ốt kinh doanh. Tiểu thương ở các chợ tạm được tập trung về đây buôn bán. Thế nhưng, bám chợ chừng một tháng, lần lượt các hộ quay về nơi cũ.
Nguyên nhân, theo ông Hoàng Thảo, chủ sạp quần áo: “Vị trí chợ cách xa khu dân cư, còn các chợ tạm tiện lợi hơn nên người mua chỉ ghé đó…”. Thực tế khi mới hoạt động, chợ có 50 hộ đến kinh doanh, nay chỉ còn 6 tiểu thương bám trụ, buôn bán các mặt hàng thịt, rau quả, hàng gia vị…
Chợ Quảng Phước (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) được xây dựng với kinh phí 2,3 tỷ đồng, rộng 540 m2 với 72 lô, sạp vừa đưa vào sử dụng đầu năm 2009, nhưng cũng chẳng sáng sủa hơn. Lúc đầu có 52 hộ vào kinh doanh, nay còn 5 hộ. Hàng hóa bày bán không có người đến mua.
Quy hoạch cho có?
Nghịch lý là trong khi chợ Quảng Lợi vắng cảnh người bán kẻ mua thì chợ Đầm (chợ cũ) và hai chợ tự phát Đất Nhuận và Thủy Lập Đông rất xập xệ nằm cách đó không xa vẫn luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Ông Hoàng Thảo, chủ sạp áo quần phân trần: “Chợ mới Quảng Lợi ra đời theo chủ trương phải nằm cạnh trụ sở UBND xã để quy hoạch thành trung tâm thương mại”.
Thế nhưng, khi đưa tiểu thương đến chợ mới kinh doanh, chính quyền địa phương lại không dứt khoát cấm chợ tạm hoạt động. Bên cạnh đó, kinh doanh trong chợ mới phải đóng tiền thuê sạp, trong khi ở chợ tạm chẳng ai mất khoản tiền này. Chính vì thế, các chợ tạm vẫn đông kẻ bán người mua. Cảnh vắng vẻ ở chợ Quảng Phước cũng là điều báo trước bởi quy hoạch bất hợp lý khi cách đó chưa đầy 1 km là Trung tâm Thương mại Quảng Điền ở thị trấn Sịa rất sầm uất, hàng hóa phong phú.
Ông Phan Hùng Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phước, cho biết: “Theo quy hoạch, Quảng Phước sẽ là chợ đầu mối hàng nông, thủy sản và gia cầm tươi sống để phân phối đến các địa bàn của huyện Quảng Điền”. Tuy nhiên, nhu cầu hàng nông, thủy sản và gia cầm ở trong vùng không lớn nên không thu hút được nhiều người đến mua.
Thiếu người bán, vắng người mua nên các chợ nhanh chóng xuống cấp. Nhiều ki ốt chợ Quảng Lợi đã bị hư hỏng, hệ thống phòng cháy chữa cháy không còn tác dụng. Vậy là hàng tỷ đồng quá lãng phí để xây những ngôi chợ tuy khang trang nhưng "vắng như chùa Bà Đanh".
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: