Top

Tiến độ đào đường tại TPHCM: Nói vậy mà “hổng” phải vậy...

Cập nhật 31/03/2009 16:25

Tại cuộc họp thông báo kế hoạch đào đường năm 2009, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng cho biết, trong năm nay sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình đào đường; tổ chức thi công 3 ca và tiến hành so le để tránh kẹt xe; xử phạt nghiêm các nhà thầu thi công ì ạch, nhếch nhác… Tuy nhiên, với những gì diễn ra trên thực tế, dư luận cho rằng “nói vậy mà hổng phải vậy”…

Vẫn ì ạch, nhếch nhác


Trên đường Trần Văn Đang (quận 3), chúng tôi ghi nhận nhà thầu tổ chức thi công hai đoạn nhưng không có đoạn nào được rào chắn an toàn. Chỉ thấy mấy tấm thép bắc qua các hố sâu thay vì phải rào chắn tôn xung quanh công trường.

Các công nhân làm việc tại đây cho rằng do đường nhỏ, dân cư đông, máy đào không thể thi công, chỗ tập kết vật tư hẹp nên không thể lập rào chắn an toàn mà chỉ có thể đặt biển cảnh báo. Mặt khác, tuyến đường này có hệ thống ống nước chằng chịt nên tốc độ thi công chậm…

Vòng qua chân cầu Lê Văn Sỹ cũng có 2 “lô cốt” mọc liên tiếp nhau, 2 bên phần đường còn lại bị băm nát và lún sâu. Đã vậy, đơn vị thi công còn thường xuyên bơm nước khiến phần đường còn lại trở nên lầy lội.

Đoạn “lô cốt” kế bên gần Lê Văn Sỹ cũng thế, lòng đường hai bên “lô cốt” nứt nẻ, nước tràn lan trên mặt đường, giao thông ách tắc. Bên ngoài phương tiện chen lấn nhau nhích từng chút một nhưng bên trong công trường chi lèo tèo vài ba công nhân làm việc chiếu lệ. Khi được hỏi tại sao không làm việc 3 ca thì một công nhân cho rằng làm việc 2 ca đã khó chứ nói gì đến 3 ca.

Theo lý giải của phía nhà thầu, các công trình thi công trên đường ở khu vực trung tâm khó làm được ban ngày vì rất nguy hiểm cho người đi đường cũng như cho chính công nhân thi công bên dưới. Hơn nữa, đường Lê Văn Sỹ cấm xe lớn lưu thông ban ngày nên rất khó để chuyển vật liệu vào công trường cũng như chuyển xà bần từ công trường ra.

Mặc dù đầu tháng 2-2009, Sở GTVT đã ban hành quy định mới về mẫu rào chắn dùng cho các công trình nhưng theo ông Trần Hồng Nam, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, qua kiểm tra hầu hết các rào chắn hiện nay không đạt yêu cầu.

Lỗi phổ biến là rào chắn không an toàn, hư hỏng, dơ bẩn, chân trụ không đúng mẫu quy định, dựng rào chắn khi chưa có giấy phép thi công, rào chắn quá diện tích cho phép, chậm tái lập mặt bằng, biển công bố thông tin không rõ ràng...

Thậm chí, hàng rào tôn của nhà thầu TOA thi công gói thầu B, dự án cải thiện môi trường nước TP trên đường Lưu Hữu Phước, Bến Mễ Cốc 1, Bến Mễ Cốc 2 và rào chắn của nhà thầu TMEC - CHEC.3, thi công gói thầu số 7 Dự án VSMT TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè gần như hư hỏng toàn bộ rất dễ gây tai nạn, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới.

Về vấn đề này, trong chương trình “Nói và Làm” tháng 3-2009, ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND nhấn mạnh: “Các nhà thầu làm sai là phải xử. Xử là phải nghiêm. Không phải xử qua loa rồi huề cả làng mà phải xử làm gương cho các nhà thầu khác”.

Chậm do vướng công trình ngầm


Một trong những nguyên nhân chính khiến cho các công trình thi công đào đường hiện nay chậm tiến độ, theo lý giải phía nhà thầu là do vướng công trình ngầm. Khi đụng phải công trình ngầm thì có khi kéo dài đến vài ba tháng chưa giải quyết xong vì phải chờ các đơn vi chủ quản (điện, nước) tới khảo sát lên kế hoạch xử lý.



Thi công vỡ ống nước trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3
(ảnh chụp lúc 8 giờ sáng nay). Ảnh: Hồ Thu


Vấn đề đặt ra là hiện nay có hàng trăm công trình ngầm nằm dưới lòng đất nhưng không có bản đồ nào chính xác. Thậm chí có không ít công trình khi nhà thầu đụng phải nhưng tìm cả tháng trời vẫn không thấy đơn vị chủ quản.

Giải thích vấn đề này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, cho rằng: “Hồ sơ dữ liệu các công trình ngầm trước năm 1975 rất ít, chưa kể tình trạng bản vẽ hồ sơ thiết kế khác và sai lệch với hiện trường”. Trên thực tế, có những công trình ngầm được lắp đặt từ thời Pháp, các nhà quản lý chỉ biết là có ở đó nhưng không biết cụ thể nó nằm ở tọa độ nào. Cũng có tình trạng bản đồ một đằng, thực tế một nẻo khiến nhà thầu phải đào hố thử rất nhiều lần.

Đó là chưa kể đến không biết bao nhiêu đường ống nhánh cấp nước vào nhà dân mà chính bản thân ngành cấp nước cũng không nắm được. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần có một cơ quan quản lý chung tất cả các công trình ngầm, thông tin cập nhật chính xác tọa độ các công trình ngầm để tạo thuận lợi các đơn vị khác triển khai thi công lắp đặt công trình ngầm sau này.

Để rút ngắn thời gian, thủ tục di dời các tiện ích ngầm phục vụ thi công, Sở GTVT hiện đang hoàn tất quy chế về lắp đặt và di dời các công trình ngầm, trong đó nêu rõ cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong việc di dời. Đồng thời, sắp tới việc thi công, nâng cấp các tuyến đường trọng điểm, các dự án mới sẽ đi đôi với việc quy hoạch công trình tiện ích ngầm bằng cách đưa vào các hào kỹ thuật.

Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Giao thông, TPHCM hiện có 221 “lô cốt” chiếm dụng trên 76 tuyến đường, trong đó dự án vệ sinh môi trường nước TPHCM có đến 124 “lô cốt” thi công trên 27 tuyến đường.

Trong tháng 3 này, Thanh tra Sở GTVT ghi nhận ngoài vụ rào chắn trên đường Võ Thị Sáu ngã ngày 14-3, làm ông Trương Văn Hậu bị gãy xương đùi, còn 2 vụ khác: Đó là vụ xảy ra vào ngày 14-2 tại đường Hải Thượng Lãn Ông và vụ ngày 9-3 trên đường Hoàng Sa.

Điều đáng nói là, quy định mới yêu cầu trên biển báo nhà thầu phải công bố số điện thoại di động của chỉ huy công trường, bố trí người điều tiết giao thông 24/24 nhưng thực tế rất ít nhà thầu thực hiện đúng.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ