Top

Thị trường nhà đất Hà Nội mất nhiệt

Cập nhật 29/11/2009 08:30

Chỉ 20 ngày sau khi diễn ra cảnh hàng nghìn người chen lấn để bốc thăm quyền mua căn hộ ở các dự án, thị trường bất động sản Hà Nội lại rơi vào trầm lắng - Ảnh: An Nguyên.

Sau cơn sốt kéo dài hơn 2 tháng, đẩy giá bất động sản ở một số khu vực lên 30-40%, khoảng 2 tuần trở lại đây, thị trường bất động sản Hà Nội lâm cảnh “mất nhiệt”.

Theo khảo sát của Thanh niên, một loạt dự án đình đám trở thành tâm điểm của thị trường hồi tháng 10 đến nay đã bắt đầu chững lại. Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản B.Đ.S cho biết, số lượng khách hàng quan tâm đến tìm hiểu giảm 60%, lượng giao dịch cũng giảm 60-70%; thậm chí có những sàn giao dịch không có mua bán từ đầu tháng trở lại đây.

Xì hơi

Chủ đầu tư dự án Usilk City công bố ngừng bán hàng, trong khi đó căn hộ thuộc dự án này được giao dịch tại các sàn bất động sản khác giảm giá 200 USD/m2 nhưng không có người mua. Theo ông Lê Xuân Trường, suất mua quyền góp vốn dự án nhà ở Lê Văn Lương của Tập đoàn Nam Cường, sau khi rớt từ 150 triệu đồng/suất (sau bốc thăm đợt 1 ngày 4.11) xuống còn 50-60 triệu đồng/suất (sau bốc thăm đợt 2 ngày 14.11), hiện tại thậm chí người trúng thăm còn phải trả thêm cho người mua suất 5-10 triệu đồng/suất để khỏi bị mất tiền cọc. Một số dự án vốn sốt nóng như Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Cienco 5... đều rơi vào trạng thái án binh bất động, không có người hỏi mua mặc dù giá giảm từ 500.000 đến 1 triệu đồng mỗi m2. Dự án Splendora, một dạo mức chênh lệch so với giá gốc lên tới 1,8 -2,1 tỉ đồng đến nay giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 1 tỉ đồng.

Lý giải hiện tượng này, ông Nguyễn Mạnh Huy, cán bộ phòng kinh doanh, Tập đoàn Nam Cường cho biết, sau đợt bán hàng rất thành công của Nam Cường tại dự án Dương Nội, rất nhiều nhà đầu tư cũng tung hàng khiến cho nguồn cung chung cư tăng lên nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn, khiến sự hấp dẫn trên thị trường giảm sút. Theo các chuyên gia phân tích thị trường, việc thị trường nhà, đất Hà Nội "nguội sớm", trước Tết Nguyên đán - vốn là thời điểm mua bán sôi động còn do cơ cấu thị trường tại thời điểm này đã có nhiều thay đổi. Hầu hết các dự án "non" trước đây tại khu vực phía tây đã "già" với các khoản đầu tư tương đối lớn.

Ví dụ, cách đây hơn 1 năm, dự án Làng Việt kiều (Mỗ Lao, Hà Đông) rất "nóng" và được giới đầu cơ săn lùng do vốn đầu tư ban đầu nhỏ, tiền nộp theo tiến độ chưa bao nhiêu, nhưng đến thời điểm này khi phần xây thô đã hoàn thành, người bắt đầu tham gia giao dịch ở dự án này cần có trên 5 tỉ đồng, điều này khiến cho thị trường bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn những người thực sự có nhu cầu sử dụng để ở hoặc cho thuê mới tham gia. Dự án đất nền khu Dương Nội không còn được giới đầu cơ săn lùng nữa, do hiện tại đã bàn giao nền, lượng tiền phải nộp cũng lên tới 70%, cộng với khoản chênh lệch, khiến số vốn đầu tư lớn cũng không hấp dẫn giới đầu cơ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Hà Nội, bản chất của cơn sốt nóng trên thị trường bất động sản Hà Nội thời gian qua là do tính chất đầu cơ quá mạnh, mà khi giới đầu cơ không còn hứng thú tham gia thị trường nữa sẽ khiến nó mất nhiệt ngay lập tức.

Thị trường sẽ ra sao?


Ông Lê Xuân Trường đánh giá, diễn biến trên thị trường bất động sản Hà Nội hiện tại hoàn toàn nằm trong dự đoán của giới phân tích. Bởi lẽ, cơ cấu thị trường hiện nay đã thay đổi so với 2 năm về trước, sản phẩm nhiều hơn nên các cơn sốt cũng không kéo dài và về cơ bản cũng sẽ không có đóng băng như trước đây. "Các khu có nhà ở ngay vẫn có giao dịch tương đối ổn định do phục vụ nhu cầu ở thật", ông Trường nói. Cũng theo ông Trường, nếu nhìn vào các dự án khu vực phía tây (Hà Nội mới mở rộng) thì nguồn cung trên thị trường bất động sản, trong 1-2 năm tới rất nhiều, cung-cầu trên thị trường do đó sẽ được cân bằng.

Việc Ngân hàng Nhà nước đang lệnh cho các ngân hàng thương mại rà soát các khoản vay, thu hồi nợ vay đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản cũng sẽ khiến cho thị trường thêm khó khăn. Trao đổi với Thanh Niên, cố vấn cao cấp của Bộ Tài nguyên-Môi trường, GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, kinh nghiệm từ gói kích thích kinh tế thứ nhất vừa rồi cho thấy, thị trường bất động sản sẽ còn diễn biến khó lường khi mà gói kích thích kinh tế thứ hai có thể được thực hiện. Ngoài ra, ông Đặng Hùng Võ cũng cảnh báo, tình trạng thị trường "nóng", "lạnh" bất thường sẽ còn khiến thị trường chao đảo khi mà quản lý vĩ mô thiếu các khung pháp lý để quản lý tình trạng đầu cơ quá mạnh. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thiếu các công cụ giám sát hoạt động sau giao đất của các chủ đầu tư, khiến cho tiến độ các dự án không đảm bảo, việc chiếm dụng vốn của khách hàng vẫn xảy ra thường xuyên, tình trạng găm hàng, làm giá... cũng khiến cho thị trường bất ổn.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên