Top

Thị trường BĐS năm 2011: Làm thế nào để không "sốt" đất?

Cập nhật 15/12/2010 08:20

Năm 2010, thị trường BĐS Việt Nam chứng kiến nhiều biến động, những cơn sốt nóng bất thường, những giai đoạn trầm lắng của thị trường, nhất là giá đất nhiều khu vực tăng đến chóng mặt... Vậy làm thế nào để thị trường BĐS phát triển ổn định trong thời gian tới? Làm thế nào để giá đất không sốt cao? Đây vẫn là những vấn đề được nhiều nhà đầu tư cũng như người dân quan tâm nhất hiện nay.

"Sốt" do nguồn cung quá ít?

Trong một buổi hội thảo về BĐS mới đây ở Hà Nội, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, vào thời điểm giữa năm 2010, thị trường BĐS Hà Nội được chứng kiến cơn sốt đất, đi đầu là khu vực phía Tây Hà Nội với sự nóng lên, tăng giá đột biến ở một số khu vực.

Nguyên nhân khiến thị trường BĐS Hà Nội có sự biến động mạnh đó có rất nhiều lý do, trong đó có lý do cơ bản là thời điểm đầu năm nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội kinh doanh vào linhc vực BĐS.

"Cùng lúc đó, Hà Nội lại tổ chức triển lãm lấy ý kiến về Đồ án quy hoạch chung Hà Nội mở rộng trong đó có một số ý kiến dự báo mở rộng, hạ tầng giao thông, đặc biệt là việc phát triển các khu đô thị khu vực phía Tây khiến nhiều nhà đầu tư và người dân đón bắt, đổ xô mau đất ở các khu vực này khiến cho giá đất bị tăng vọt lên cao", ông Thiện nhận định.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Thế kỷ Century Nguyễn Trung Vũ cho rằng, thị trường phía Tây Hà Nội giữa năm 2010 bị "sốt" là do nguồn cung BĐS quá ít. Do không có thông tin nên hễ có sự kiện mới là các nhà đầu tư lại đua nhau đổ xô đi mua, trong khi thực chất nhu cầu thực để ở là không có.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 thị trường rất khác nhau. Trong khi thị trường ở TP HCM thông tin luôn "mở" thì tại thị trường Hà Nội lại ngược lại hoàn toàn. Nguồn tin về các dự án ở Hà Nội luôn bị "giấu" kín, đây chính là nguyên nhân tạo nên các cơn sốt về giá đất trong thời gian vừa qua ở Hà Nội.

Thị trường BĐS TP HCM có quá nhiều cung mà không ai mua cả, có rất nhiều dự án chào sàn và không bao giờ có khái niệm "tiền chênh". Còn ở Hà Nội thì trái ngược hoàn toàn, để xin làm một dự án ở Hà Nội quá khó khăn.

"Nếu thị trường Hà Nội có nhiều dự án như ở TP HCM thì sẽ không có chuyện giá BĐS ở Hà Nội lên cao như hiện nay", ông Vũ khẳng định.


Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam "Chênh lệch về cung-cầu vẫn là vấn đề căn bản của thị trường BĐS". Ảnh minh họa

Làm thế nào để không "sốt" đất?

Thị trường BĐS là thị trường mới mẻ của Việt Nam. Trong vòng 5 năm nay từ khi có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BDS thì thị trương mới dần đi vào ổn định, từng bước minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, người sử dụng.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, cơ chế chính sách cũng chỉ tác động phần nào mà thôi. Hiện nay, tâm lý kinh doanh của người Việt vẫn theo kiểu đám đông.

Không chỉ ở thị trường BĐS mà trong rất nhiều lĩnh vực như: vàng, đôla... khi giá vàng và USD lên thì người dân lại đổ xô đi mua, đến lúc giá thị trường xuống lại đua nhau bán đổ bán tháo.

Thị trường BĐS Hà Nội có lúc bị biến động mạnh cũng bởi điều này. Tâm lý người dân muốn "đi tắt, đón đầu" khiến cho giá BĐS bị đẩy lên cao. Làm thế nào để thị trường BĐS không bị biến động dẫn đến những cơn sốt đất xảy ra vừa qua?

"Bên cạnh việc rà soát hệ thống pháp luật thì Nhà nước phải có kênh thông tin dự báo về thị trường để làm ổn định tâm lý của người dân. Minh bạch thị trường thông qua cơ chế pháp lý, tuy nhiên Nhà nước cũng phải có kênh thông tin dự báo thị trường chính thức để tránh kinh doanh theo kiểu cảm tính như hiện nay", Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến nói.

Còn theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phân phối DTJ Nguyễn Quốc Khánh, ngoài vấn đề về cung-cầu chưa hợp lý hiện nay tại Hà Nội khiến giá BĐS lên cao thì còn do nguyên nhân về quy hoạch còn có nhiều vướng mắc. TP HCM do quy hoạch các thành phố vệ tinh rất phát triển nên di dân cơ học vào TP HCM không nhiều như ở Hà Nội.

Với 1 số chính sách do quy hoạch, sáp nhập giữa Hà Tây và Hà Nội còn nhiều vướng mắc, nhất là trong quy hoạch khiến cho thị trường BĐS có lúc nóng, lạnh bất thường. Vì vậy, giải quyết bài toán về quy hoạch là vấn đề cơ bản nhất hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV