Nhà đầu tư khó huy động vốn, khách hàng ngần ngại ký hợp đồng vì lãi vay mua nhà quá cao, một dòng vốn đổ vào vàng và USD… là những trở ngại cho thị trường bất động sản mùa cao điểm.
Chưa bao giờ thị trường nhà ở vào những tháng cuối năm lại ảm đạm như hiện nay. Giao dịch có thời điểm giảm tới 40 – 50% so với những tháng đầu năm. Những hợp đồng mua nhà dạng hợp đồng góp vốn cũng “quay lưng” với các dự án nhà ở vốn được xem là kênh đầu tư “hốt bạc”.
Nhiều dự án bất động sản cao cấp sẽ gặp khó trong vấn đề giao dịch và huy động vốn
|
Ông Nguyễn Tuấn Trình, một nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm với phân khúc thị trường căn hộ trung cấp cho rằng, nếu có nhu cầu mua nhà để ở thì khách hàng mua vào thời điểm này là phù hợp bởi giá mềm, tuy nhiên, đối với các khách hàng mua để đầu tư thì còn đắn đo.
Trước cơ hội đầu tư vào các kênh khác ngoài kênh bất động sản như vàng, USD, trái phiếu, các nhà đầu tư sở hữu nguồn vốn lớn đang có sự chọn lựa đầu tư vào vàng vì có cơ hội kiếm lời nhanh hơn bất động sản.
Vướng mắc lớn nhất là trước đây, khi một dự án bất động sản chỉ cần xin được giấy phép là nhà đầu tư có thể thực hiện ngay các thao tác huy động vốn như chào hàng thông qua nhà mẫu để ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Bằng thao tác này, nhà đầu tư đã “gỡ” được khâu huy động vốn đầu tư. Sau khi dự án hoàn thành cũng là lúc khách hàng và nhà đầu tư đã “sang tay” 100% giá trị dự án.
Tuy nhiên,
Thông tư 16 hướng dẫn thi hành
Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 8/8 thì những dự án được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng góp vốn sẽ không còn giá trị giao dịch hay chuyển nhượng trên thị trường. Mặt khác, cũng theo Thông tư này, những hợp đồng mua bán còn dở dang đối với các dự án chưa hoàn thành cũng không được phép tiếp tục giao dịch.
Tại TP.HCM, hầu hết các sàn giao dịch bất động sản từ tháng 10 đến nay rất ít giao dịch được thực hiện thành công. Điều này dẫn đến việc chủ đầu tư các dự án đang xây dựng dở dang trở tay không kịp. Nhiều dự án bất động sản chuẩn bị xin giấy phép cũng án binh bất động.
Theo ghi nhận của phóng viên, không khí tại các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP.HCM, chỉ các giao dịch nhà ở phân khúc trung bình thấp là có phần sôi động, bởi các dự án này người mua là đối tượng có nhu cầu thật sự.
Ông Phạm Thanh Vũ, giám đốc Công ty Bất động sản Việt Đô (quận 10) cho rằng, các dự án nhà ở dành cho người có nhu cầu thật sự chủ yếu ở phía Tây TP.HCM bởi nơi đây tập trung đông đúc đối tượng dân cư trẻ có thu nhập ngày càng tăng.
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư các dự án nhà ở cũng đang dần chuyển hướng đầu tư ở rìa phía Tây TP.HCM như các quận 6, Tân Phú, Bình Tân… vì nơi đây chưa có nhiều các dự án quy hoạch Khu đô thị mới – vốn chỉ dành cho nhà đầu tư là các đại gia.
Đối với các dự án căn hộ cao cấp, biệt thư ở khu vực phía Đông và Đông Nam TP.HCM như Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), quận 7, Khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 8)… đang trầm lắng đến ảm đạm.
Theo Quy định mới, chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi thiết kế kỹ thuật nhà ở đã được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì mới được phép huy động vốn. Đây được xem là trở ngại đáng kể đối với các dự án có vốn đầu tư lớn.
Trước đây, phần lớn các dự án bất động sản ở khu vực vốn được xem là “xóm nhà giàu” này, chủ đầu tư chủ yếu huy động vốn bằng các hình thức hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân hoặc vay vốn với nhiều ưu đãi cho bên cho vay như được ưu tiên mua nhà ở nằm trong dự án. Giờ đây, cầu nhà ở trong phân khúc cao cấp này chủ yếu để bán kiếm lời và giới đầu tư đã ngần ngại bỏ tiền.
Một số nhà môi giới bất động sản nhận định, giới đầu tư bất động sản (chủ đầu tư và người mua) vốn rất ngại các rủi ro về chính sách, khi Nghị định 71 còn chưa “thử lửa” qua thời gian (tối thiểu từ 4 đến 6 tháng) thì thị trường bất động sản trầm lắng là tất yếu.
Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng, với sự kiếm lời nhanh chóng trong việc đầu tư vàng và USD vừa qua đã làm không ít giới đầu tư bất động sản “đá sân” sang thị trường vàng, do đó, một lượng đáng kể dòng vốn đã quay lưng với thị trường bất động sản, vốn được xem là đứa con “cưng” của các đô thị lớn.
Ngoài ra, riêng thị trường TP.HCM, nguồn đất sạch dành cho các dự án cao cấp gần như không còn và trước các rào cản về chính sách trong vấn đề huy động vốn, nhiều dự án đang chuẩn bị triển khai đã phải “nằm chờ”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: