Top

Thị trường bất động sản TP HCM: Hết năm vẫn trầm lắng

Cập nhật 26/12/2014 10:52

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (Horea), đến hết năm nay tại thành phố đã có 1.403 dự án phát triển nhà ở.

Trong đó có 426 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 201 dự án đang triển khai xây dựng và 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư. Trong số các dự án đang triển khai thực hiện, có 40 dự án nhà ở cao cấp, 483 dự án nhà ở trung bình, 46 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp và 108 dự án nhà ở chưa xác định được phân khúc.

Trước tình hình thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn đình đốn như trên, nhiều doanh nghiệp (DN) phát triển dự án BĐS tiếp tục gặp khó khăn trong việc bán hàng, tiêu thụ hàng hóa tồn kho, giải quyết nợ xấu hoặc tìm kiếm nguồn vốn cho dự án, đầu ra cho sản phẩm.

Trong khi đó, thành phố mới chỉ xem xét cho 24 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi căn hộ diện tích lớn thành diện tích nhỏ và cho phép 9 dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ đủ điều kiện với quy mô 4.736 căn hộ tăng lên thành 6.122 căn.

Đã vậy, kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng tại thành phố các ngân hàng cũng mới đạt hạn mức tín dụng đạt hơn 1.470 tỷ đồng cho 1.513 khách hàng cá nhân và DN. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều chủ dự án đã phải bán dự án hoặc hợp tác kinh doanh để tái khởi động các dự án đang gặp khó khăn; góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng và thị trường.

Một dự án nhà ở có giá phải chăng tại vùng ven đang được chủ đầu tư chào bán.

Nhận định về thị trường BĐS thành phố năm tới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố cho biết, nhìn tổng thể thị trường vẫn còn rất khó khăn. Phân khúc căn hộ có quy mô vừa và nhỏ dưới 70m2 có giá bán trên dưới 15 triệu đồng/m2, tổng giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn tiếp tục bán chạy do phù hợp với nhu cầu người mua. Tuy nhiên, theo ông Châu, thị trường BĐS vẫn cần tiếp tục được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chính sách. Cụ thể, về xác định nguồn gốc Việt kiều, trong trường hợp Việt kiều không có khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác để chứng minh nguồn gốc, thì chỉ cần sử dụng thông tin trên giấy căn cước về nguồn gốc do nước ngoài cấp để xác định là đủ. Về quy định cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà không quá 30% căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư, không quá 250 căn nhà trong cùng 1 phường…

Quy định này cũng cần được xem xét thấu đáo để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhất là các đô thị tập trung đông người nước ngoài. Đặc biệt là những phường đang có đông người nước ngoài cư trú như phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh, nơi có Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và nhiều dự án khác hoặc phường Thảo Điền, quận 2 đang có rất đông người nước ngoài sinh sống.

Về phía TP Hồ Chí Minh, trong trường hợp chủ dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án được từ 80% diện tích trở lên cũng cần được xem xét, hỗ trợ việc bồi thường, giải tỏa để sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện, tránh lãng phí thời gian và chi phí đầu tư. Đối với 689 dự án phát triển nhà ở đang tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, ông Châu cho rằng chính quyền thành phố cần hỗ trợ chủ đầu tư có năng lực có cơ hội tái khởi động dự án để giúp chủ đầu tư vượt qua khó khăn, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Đồng thời, một loạt các nội dung khác về giải ngân gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng; quy định thông thoáng trong chuyển nhượng dự án; quy định về ký quỹ, mức vốn pháp định với chủ dự án…

Cũng được ông Châu nêu kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS thành phố hồi phục.

DiaOcOnline.vn - Theo CAND