Mới đây, Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã họp phiên thứ X. Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát. Nếu không ổn định được kinh tế vĩ mô thì không thể đảm bảo một thị trường BĐS ổn định, bền vững.
Thiếu vốn, các dự án nhà ở thương mại bị đình hoãn, Ảnh: T.L
|
Làm gì để thị trường BĐS ấm lên là câu hỏi khó trong thời điểm này, khi mà tồn kho BĐS và nợ xấu thuộc lĩnh vực đang là một áp lực rất nặng nề. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng đã có điểm sáng khi mà phân khúc căn hộ quy mô vừa và nhỏ, hoặc những dự án cao cấp đầu tư một cách nghiêm túc, bài bản vẫn có giao dịch. Tuy nhiên, ông Châu cũng thừa nhận rằng áp lực mà thị trường BĐS phải hứng chịu từ năm 2008 đến nay vẫn chưa giảm. Theo ông Châu, điều đáng lo ngại là DN vẫn phải vay vốn với mức lãi suất cao, khiến việc giảm giá để cắt lỗ khó thực hiện hơn. Cụ thể là huy động vốn 8% nhưng DN BĐS phải vay với mức lãi suất 18 - 19%/năm. Việc cấp điện, nước cũng đẩy giá thành tăng từ 5 - 7%.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng bày tỏ băn khoăn khi mà giá BĐS còn chênh lệch rất lớn so với bình diện chung. Hệ số chênh lệch từ những giá trị BĐS được khảo sát so với thu nhập bình quân xã hội còn vượt 5 - 10 lần. Trong cơ cấu giá thành của BĐS, tỷ trọng tiền đất chỉ có thể chiếm 30% là tối đa, lãi suất ngân hàng tối đa 10%, nhưng trên thực tế lại không phải như vậy: nhiều dự án tiền đất chiếm 40%, thậm chí 50 - 60%. Lãi suất ngân hàng quá lớn. Chính vì thế việc hạ giá bán là khó khăn.
Bên cạnh việc khó giảm về giá, thì một vấn đề rất được quan tâm là lấy lại niềm tin cho xã hội. Minh bạch - đó là điều nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo đề cập đến như một giải pháp quan trọng. Dẫn chứng về nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Nhà nước khuyến khích nhưng giá phải được kiểm soát. Nếu không kiểm soát được, nhà ở xã hội sẽ bị đẩy giá.
Theo TS Trần Kim Chung (Viện Quản lý kinh tế trung ương), để tạo niềm tin cho thị trường, Nhà nước cần cam kết ít nhất trong 2 - 3 năm tới chính sách cho thị trường BĐS sẽ không thay đổi nhiều. Còn ông Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng cần rà soát lại các dự án, nhưng nếu để các địa phương tự rà soát thì không nên và những thông tin về các dự án cần được công khai để người dân lẫn DN cùng biết.
Kết luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, các giải pháp cho thị trường BĐS phải được thực hiện đồng bộ, trong đó phải tăng cường minh bạch thông tin, cần thành lập các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo cùng làm việc với các thành phố để tháo gỡ những vướng mắc. Việc chuyển dự án thương mại sang nhà ở xã hội, cần làm rõ từng dự án một, cơ chế thế nào đối với người mua, DN cũng cần công bố công khai.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: