Top

Thị trường bất động sản: Khó tránh giảm phát trong thời gian dài

Cập nhật 29/10/2008 01:00

Trước đây, khi cuộc khủng hoảng tài chính mới bùng nổ, nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng này khó có khả năng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản (BĐS) VN nói chung và của 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM nói riêng.

Bởi thị trường BĐS VN chưa tham gia sâu vào thị trường thế giới. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, thị trường BĐS VN đã bắt đầu bị ảnh hưởng gián tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Vì vậy thị trường BĐS VN sẽ mất động lực phát triển trong vài năm.

Giá đất tụt dài

Giá BĐS trên thị trường BĐS TPHCM vẫn tiếp tục tụt dài cũng như khả năng thanh khoản. "Vài tháng trước giá giảm thị trường ế ẩm thế nhưng vẫn có nhiều người có nguồn tiền nhàn rỗi mua đất vào hy vọng giá lên sẽ bán ra. Nay giá giảm mạnh hơn nữa, người mua thì không thấy người bán ngày càng nhiều" - anh Hồ Văn Phúc - một người làm môi giới mua bán đất tại dự án Làng Đại học, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè than thở.

Anh Phúc dẫn chứng: "Khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè giá chỉ còn 6 triệu đồng m2, nhiều người chấp nhận bán với giá còn thấp hơn; Dự án Thái Sơn 2 chỉ còn 7 triệu đồng/m2... Giá này chỉ gấp rưỡi giá gốc chủ đầu tư bán ra cách đây cả 4 - 5 năm thế nhưng vẫn không thấy bóng khách hàng đâu. So với lúc cao điểm, nhiều dự án hạng bình dân trên địa bàn huyện Nhà Bè (giáp ranh với Phú Mỹ Hưng - PV) đã mất hơn 70% giá trị".

Dạo quanh một số văn phòng môi giới còn mở cửa cầm cự trên địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bè (mỗi văn phòng duy trì tối đa 2 nhân viên) không khí cũng ảm đạm không kém. Không chỉ các dự án hạng bình dân bị mất giá, thậm chí ngay cả các dự án hạng trung và khá cũng mất giá không kém. Dự án Làng Đại học, Tân An Huy, Thái Sơn 1 từ 24 -30 triệu đồng/m2 sau vài tháng giảm giá chỉ còn từ 13 -15 triệu đồng/m2.

Dự án Him Lam - Kênh Tẻ, đất mặt đường 35m có thời lên đến 90 triệu đồng/m2 nay tụt giảm không phanh xuống mức 28 -45 triệu đồng/m2. Thế nhưng đáng bi quan hơn là giá càng giảm, khách hàng càng vắng bóng. Cả 5 văn phòng mà PV ghé thăm không ghi nhận được trường hợp giao dịch nào kể từ 1 tháng qua.

Trên địa bàn quận 2, những dự án lân cận ăn theo Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng có mức giảm giá kinh khủng. Đất biệt thự mặt đường Lương Định Của, lộ giới dự kiến 120m trước đây 45-50 triệu đồng/m2 nay chỉ còn từ 18-20 triệu đồng/m2. Trong vai khách hàng, PV Lao Động được giới thiệu một nền biệt thự 400m2, tọa lạc ngay trước mặt dự án của Cty Bình Minh, vị trí góc 2 mặt đường giá chào bán chỉ 20 triệu đồng/m2. Người môi giới rỉ tai: "Lô đất này ông chủ mua trước Tết giá 16 tỉ đồng, ngân hàng hối quá bây giờ có người mua nhanh 7 - 8 tỉ đồng chắc ổng cũng bán".

Giảm phát là không tránh khỏi

Khi khủng hoảng tài chính thế giới mới bùng nổ, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS VN ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi thị trường BĐS VN nhìn chung mới phát triển ở giai đoạn sơ cấp, chưa tham gia sâu vào thị trường BĐS thế giới. Nghĩa là BĐS VN chưa chứng khoán hóa như các quốc gia khác có thị trường BĐS phát triển.

Thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay, nhiều chuyên gia đã thay đổi cách nhìn và cho rằng, thị trường BĐS VN đang bắt đầu bị ảnh hưởng, mặc dù không trực tiếp. Theo các chuyên gia, thị trường BĐS VN trong vài năm gần đây phát triển với tốc độ chóng mặt. Tốc độ phát triển này phần nhiều là do ngoại lực đem lại. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đã khởi động cho cuộc cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài dẫn đến sự phát triển nóng của thị trường BĐS VN, giá nhà đất tăng 200 -300%, thậm chí là 500% chỉ trong vòng 3 năm.

Đối với các nhà đầu tư trong nước, ngay từ đầu năm, khi bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, họ đã gặp khó khăn. Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hầu hết là các quỹ đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia..., theo các chuyên gia, thì họ đã tham gia sâu vào thị trường BĐS, tài chính thế giới nên không thể không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Cũng theo các chuyên gia, cho đến thời điểm hiện nay cả 2 thế lực chi phối thị trường BĐS VN là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều đang gặp khó khăn như nhau. Chính vì vậy, thị trường BĐS gần như không còn động lực để phát triển. Các chuyên gia cũng nhắc lại, khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997 cũng đã làm cho hàng loạt dự án đầu tư vào BĐS VN của các nhà đầu tư nước ngoài bị ngưng trệ trong suốt 5 năm. Các chuyên gia dự báo, sự giảm phát của thị trường BĐS VN là điều khó tránh khỏi và sẽ kéo dài ít nhất là 3 năm.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động