Top

Thị trường bất động sản: Khó khăn đang ở phía trước

Cập nhật 31/10/2008 10:00

Đà tụt giảm giá của nhà đất trên thị trường BĐS đang khiến cho hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) gặp lao đao. Hàng ngàn NĐT thứ cấp đang phải đối mặt với nguy cơ không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng (NH).

Đó là những nhận định của các chuyên gia về hậu "cơn sốt" nhà đất diễn ra vào đầu năm 2008. Theo các chuyên gia, những khó khăn nhất vẫn còn đang ở phía trước.

Bí đầu ra và thiếu vốn

Trao đổi với PV Lao Động ngày 30.10, khi nhận định về tình hình thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng: "Hiện nay mãi lực đối với 2 phân khúc là nhà chung cư và đất dự án gần như là bằng không nên những khó khăn còn đang ở phía trước". Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, đối với các DNVVN vốn phụ thuộc hoàn toàn vào đầu ra nay đang phải đối mặt với không chỉ một mà đến 2 khó khăn đó là tìm đầu ra cho hàng hóa và tìm nguồn tài chính để giải quyết nợ với NH. Thời gian từ đây đến giữa năm 2009 là một thử thách ghê gớm đối với các doanh nghiệp (DN) này.

Khi được hỏi về việc liệu có xảy ra tình trạng các NH sẽ tiến hành giải chấp ồ ạt đối với tài sản thế chấp mà chủ yếu là BĐS của các DN, ông Châu cho rằng: "Theo thông tin tôi có thì hầu như các bên liên quan phần nhiều đã đạt được các thỏa thuận về dãn nợ, cơ cấu lại nợ vì họ xác định họ đi chung trên một con thuyền". Ông Lê Hoàng Châu dự báo: "Một số chuyên gia bi quan thì cho rằng đà giảm phát của thị trường BĐS sẽ kéo dài ít nhất 3 năm nhưng tôi có suy nghĩ khác: Đà suy thoái sẽ chấm dứt sớm hơn. Đến giữa năm 2009 đà suy thoái của thị trường BĐS có thể dừng lại và bắt đầu phục hồi".

Chuyên gia về thị trường BĐS, ông Nguyễn Xuân Châu - Tổng giám đốc Nova Homes thì cho rằng: "Thị trường hiện nay đang rất u ám, 2 khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra và nguồn vốn. Về đầu ra, các chủ đầu tư đang phải đối mặt với nguy cơ không có đầu ra cho các dự án đang đầu tư dang dở. Thị trường BĐS lâu nay vốn sôi động được là nhờ phần nhiều vào các NĐT thứ cấp, mua đi bán lại. Giá nhà đất tụt dốc trong thời gian qua đã làm cho niềm tin "bỏ vốn vào nhà đất không lời ít thì lời nhiều" đã bị lung lay, thậm chí là mất hẳn. Một khó khăn khác đó là nguồn vốn vay hiện nay vẫn còn rất hạn chế mặc dù có dễ thở hơn trước.

Rủi ro cho NĐT thứ cấp

Thực tế hiện tại các NH cũng vẫn "hé cửa" cho vay BĐS nhưng trên cơ sở kiểm soát chặt các điều kiện tín dụng đưa ra. Khác với trước, hiện các NH chỉ tập trung vào cho vay BĐS tiêu dùng. Đồng thời, hạn mức, thời hạn cho vay được NH thu hẹp, nhưng lãi suất đầu ra vẫn cao. Cụ thể, NH chỉ cho vay 50% giá trị tài sản đảm bảo, thay vì 80 - 90% như trước. Thời hạn cho vay tối đa cũng chỉ 3 - 5 năm, lãi suất trần 19,5%/năm. Mức tăng trưởng tín dụng cho vay BĐS trong hệ thống NH đang được điều chỉnh dần từ mức 19% đầu năm xuống còn 10% trên tổng dư nợ của toàn hệ thống.

Với đà giảm phát hiện nay của thị trường BĐS, các chuyên gia cho rằng, nhìn chung giai đoạn khó khăn nhất vẫn còn đang ở phía trước.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Dương - Tổng giám đốc Cty Năm ngôi sao Việt cho rằng: " Đối với các NĐT BĐS chuyên nghiệp (các DN phát triển dự án) hầu như đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất là đã thu xếp được các khoản nợ với các NH. Riêng đối với các NĐT thứ cấp, tháng 11 -12/2008 mới là giai đoạn khó khăn nhất. Đây là thời điểm tròn 1 năm kể từ khi bùng phát cơn sốt nhà đất, những khoản vay đầu tư vào BĐS trong thời gian đó sẽ đáo hạn trong tháng 11-12 này. Có nhiều tình huống sẽ xảy ra mà một trong số đó là nhiều NĐT buộc phải bán tống bán tháo để cắt lỗ".

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động