Top

Thị trường bất động sản: Kẻ “nhập kho” người tháo chạy

Cập nhật 10/09/2013 13:57

Bất động sản đóng băng kéo dài đã khiến nhiều chủ đầu tư sức cùng lực kiệt, người thì đi tù, kẻ bỏ trốn và hiện rất nhiều chủ đầu tư muốn bán dự án cho thoát nợ…

Từ chuyện ông chủ hàng loạt dự án bất động sản "nhập kho"

Đi siêu xe, cùng lúc làm chủ vài dự án bất động sản lớn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinaMegastar Nguyễn Hoàng Long từng được không ít người coi là hình ảnh về lớp doanh nhân trẻ thành đạt được nhiều người ngưỡng mộ. Vì thế, đầu tháng 7/2013, khi thông tin về việc ông Nguyễn Hoàng Long bị Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế Công an Hà Nội bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã khiến nhiều người từng biết ông Long bất ngờ, còn những khách hàng đã góp vốn mua căn hộ tại các dự án của VinaMegastar thì đứng ngồi không yên.

Trước khi thông tin này được công bố, trước đó nhiều tháng, khách hàng mua nhà của doanh nghiệp này đã bắt đầu thấy lo lắng khi mà hầu hết các dự án chung cư của VinaMegastar dù đã huy động vốn của khách hàng từ vài năm trước nhưng cái thì đang xây dở dang, cái thì vẫn chỉ là mảnh đất trống.         

Tuy nhiên, có một câu hỏi được nhiều người đặt ra với VinaMegastar, đó là vì sao từ doanh nghiệp làm ăn khá hiệu quả lại sa lầy như vậy?

Khởi nghiệp bằng nghề sản xuất các sản phẩm cơ khí và kinh doanh sắt thép từ đầu những năm 2000, VinaMegastar đã khá thành công trong việc sản xuất các loại cần trục, thiết bị nâng hạ dùng trong các nhà máy công nghiệp, nhà máy thủy điện (cần trục giàn máy), kết cấu thép khi sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đã được xuất khẩu đi các nước châu Âu.

Doanh thu của Vina Megastar năm 2008 đạt 1.864 tỉ đồng, với lợi nhuận hàng chục tỉ đồng. Năm 2008, VinaMegastar đứng thứ 202 trong bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500). Chỉ một năm sau đó, năm 2009, VinaMegastar đã thăng hạng lên vị trí 58.

Để quảng bá thương hiệu doanh nghiệp theo cách mà nhiều đại gia đã từng làm và rất thành công là đầu tư vào bóng đá, V-League 2010, ông Long quyết định ký hợp đồng tài trợ 20 tỉ đồng cho CLB bóng đá Nam Định trong mùa giải 2010 vào thời điểm đội bóng này đang nằm ở vị trí gần "đội sổ" khi kết thúc V-League 2009 đứng ở vị trí 12/14 đội tham gia V-League và đang nợ lương cầu thủ.

Thời điểm ấy, khi nói về kế hoạch phát triển của đội bóng lúc này đã mang tên Megastar Nam Định,  ông Long khẳng định "muốn cam kết hợp tác lâu dài với bóng đá Nam Định và đã có chương trình làm việc cụ thể, để CLB Nam Định ngày càng chuyên nghiệp, cũng là theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”. Tuy nhiên, việc hợp tác ấy chỉ được một mùa giải rồi kết thúc.

Năm 2008, VinaMegastar chính thức đầu tư sang lĩnh vực bất động sản với dự án đầu tiên là Megastar Xuân Đỉnh (dự án này sau đó còn có nhiều tên gọi khác như: C2 Xuân Đỉnh, Megastar Dominium Hoa Binh Park, C2 Xuân Đỉnh…).

Dự án được khởi công đầu năm 2009 trên diện tích đất hơn 2.500 m2 tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (cạnh Công viên Hòa Bình hiện nay). Với kế hoạch sẽ tạo ra một dòng sản phẩm mới của thị trường bất động sản - căn hộ diện tích trung bình và mức giá vừa phải nhắm tới nhóm khách hàng là gia đình trẻ, vì vậy tại dự án này, VinaMegastar chỉ bố trí các loại căn hộ diện tích dưới 100m2 và giá bán khoảng trên dưới 17 triệu đồng/m2. Vào thời điểm ấy, các dự án khác hầu như không có loại căn hộ nhỏ như vậy nên ngay lập tức Megastar Xuân Đỉnh đã gây sốt trên thị trường. Tuy nhiên, ngay tại dự án đầu tiên này, VinaMegastar đã gặp nhiều rắc rối kiện tụng và cho tới lúc này, tòa nhà 25 tầng vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện dở dang.

Nhưng, vào thời điểm thị trường bất động sản sốt nóng, khi mà các chủ đầu tư chỉ cần xin được quyết định phê duyệt dự án thì khách hàng đã xếp hàng để xin được nộp tiền mua nhà, vì vậy dù còn đang triển khai dự án Megastar Xuân Đỉnh, VinaMegastar đã tiếp tục triển khai thêm một loạt dự án khác với quy mô hoành tráng hơn, đó là dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với tên thương mại là Vinhhung Dominium tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1,2 ha, dự án Hesco Văn Quán với quy mô gồm 1 tòa tháp đôi 50 tầng và tòa nhà 45 tầng với các căn hộ chung cư có diện tích 89 - 118m2. Tại các dự án này, mặc dù mới ở giai đoạn chuẩn bị mặt bằng nhưng VinaMegastar đã huy động vốn của khách hàng. 

Không chỉ đầu tư vào các dự án chung cư, VinaMegastar còn đầu tư vào  dự án công viên, hồ điều hòa Nhân Chính, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Năm 2008, dự án này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Megastar làm chủ đầu tư. Đến năm 2011, thành phố cũng đã phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án này. Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là 132.356m2 với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 2.000 tỉ đồng. Một dự án khủng khác mà VinaMegastar đầu tư là dự án khu công nghiệp Yên Mỹ 2 (Hưng Yên) có diện tích 200 ha...

Tuy nhiên, cho tới lúc này, ngoài chung cư Megasstar Xuân Đỉnh đang hoàn thiện dở dang, còn lại các dự án vẫn chỉ là bãi đất trống hoặc còn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Nhưng, VinaMegastar chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", vì giờ đây không ít chủ doanh nghiệp bất động sản cũng đang trong tình cảnh "sống dở chết dở" vì đầu tư dàn trải, bởi không ít doanh nghiệp Nhà nước dù có tiềm lực tài chính nhưng sau cơn say đầu tư vào bất động sản cũng đã phải nhận quả đắng.


Hesco Văn Quán, một dự án của VinaMegastar, hiện vẫn chỉ là bãi đất trống.


Thời của chuyển nhượng dự án

Đầu tháng 8/2013, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska (Alaska Land) - chủ đầu tư dự án Alaska Garden City có diện tích 7,895 ha tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đã hoàn tất việc chuyển nhượng 99% vốn, tương đương gần 300 tỉ đồng cho Tập đoàn FLC. Sau khi nhận chuyển nhượng từ 3 cổ đông Alaska Land, FLC hiện nắm giữ 2,97 triệu cổ phần và chính thức trở thành chủ đầu tư mới của dự án Alaska Garden City.

Mới đây, ngày 30/8, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Licogi 16 cũng đã quyết định thông qua việc chuyển nhượng dự án Sky Park Residence tại Hà Nội. Đây là dự án văn phòng - chung cư tại quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng giám đốc tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng dự án, thương thảo ký kết các hợp đồng chuyển nhượng dự án và triển khai các thủ tục liên quan để xúc tiến việc chuyển nhượng dự án.

Những dự án dở dang thế này đang trở thành món nợ với nhiều chủ đầu tư bất động sản.

Nhiều "ông lớn" khác cũng quyết định rời bỏ bất động sản. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã buộc gấp rút thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản do không có được thành công khi đầu tư vào lĩnh vực này. Là một trong những người đầu tư vào thị trường bất động sản lớn nhất TP HCM nhưng giữa tháng 8/2013, tại "Buổi tiếp xúc nhà đầu tư" với sự tham gia của gần 200 nhà đầu tư, các định chế tài chính, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã chính thức công bố kế hoạch tái cấu trúc.

Theo đó, các dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án Khu phức hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê tại thành phố Yangon, Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát triển Nhà Hoàng Anh.

Nhiều đại gia bất động sản khác đang rơi vào vòng xoáy nợ nần và đang phải "tính đường" thoát nợ bằng bán rẻ dự án. Tuy nhiên, để tìm được người mua vào thời điểm này lại là chuyện không đơn giản.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Savills, thị trường bất động sản Việt Nam đang sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước trong khu vực. Khi suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh thì thị trường TP HCM và Hà Nội đang có dấu hiệu "chạm đáy". Nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đang tìm kiếm cơ hội mua những bất động sản tại Việt Nam. Vì thế nhiều người đang hy vọng “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, nhưng bao giờ mới “thái lai” thì vẫn phải... chờ.

DiaOcOnline.vn - Theo Công an nhân dân