Trái với sự kỳ vọng của giới đầu cơ, thị trường bất động sản TPHCM sau một thời gian ngắn có dấu hiệu ấm lên đã nhanh chóng hạ nhiệt, trở lại trạng thái trầm lắng như trước Tết Nguyên đán 2009. Tại các khu vực như Q2, Q7, Q9, hàng trăm trung tâm, văn phòng môi giới vừa mở cửa hoạt động trở lại sau một thời gian dài đóng cửa nay lại rơi vào tình trạng… hoạt động cầm chừng. Thị trường đã khan hiếm cả người bán lẫn người mua.
Mỏi mắt tìm hàng
Tình trạng hiếm hàng chỉ xảy ra một lần duy nhất trước “cơn sốt giá” bất động sản (BĐS) cuối cùng hồi tháng 1-2008. Khi đó, rất nhiều người do lo sợ giá BĐS sẽ còn lên nữa đã “ghim hàng” không bán và trở thành nạn nhân của các “cơn sốt” này. Sở dĩ có sự hiếm người bán là do hầu hết những người nắm giữ BĐS hiện nay đều là những người “ôm hàng” khi sản phẩm
đã bán tới lần F3, F4, thậm chí là Fn nên số tiền bỏ ra rất lớn. Vì vậy, khi thị trường bất chợt nguội lạnh, BĐS mất giá từ 40 - 60% so với mức giá đạt được lúc đỉnh sốt đã khiến nhiều người bị lỗ nặng. Những người có nền đất, căn hộ cần bán khi thị trường thấp điểm thường là những người mua BĐS bằng tài sản vay mượn, thế chấp hoặc cần vốn làm ăn nên mới chấp nhận bán lỗ. Nếu điều kiện thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng thì những người này có thể bán BĐS với giá thấp hơn giá chào bán, miễn là có người mua.
Dự án HAGL New Sài Gòn.
Tuy nhiên, khi thị trường được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tốt như: ngân hàng đã mở cửa tín dụng BĐS, lãi suất cho vay giảm, lượng tiền bồi thường từ việc giải tỏa KĐT mới Thủ Thiêm... đã khiến cho thị trường BĐS TPHCM có dấu hiệu tan băng nên nhiều chủ BĐS đã rút lại sản phẩm đã ký gởi để chờ giá lên hoặc tăng giá ký gởi. Được biết giá chào bán ký gởi căn hộ, nền đất tại nhiều khu vực của Q2, 9... đã tăng từ 2 - 4 triệu đồng/m2. Từ 16-2-2009 đến 16-3-2009, giá chào bán căn hộ thuộc các dự án An Cư, An Hòa, An Thịnh (Q2) đã tăng khoảng 2 triệu đồng/m2.
Ở Q9, giá đất nền tại nhiều dự án cũng tăng mạnh. Giá bán của dự án Gia Hòa đầu tháng 2-2009 chỉ phổ biến ở mức 9 - 12 triệu đồng/m2 thì đến giữa tháng 3 là 12 - 14 triệu đồng/m2. Loại đất nền mặt tiền đường có lộ giới 30 mét giá phổ biến ở mức 15 - 16 triệu đồng/m2. Nhiều dự án như: Khang Điền, Hưng Phú, Nam Long - Kiến Á đều có mức tăng giá bán từ 1 - 2 triệu đồng/m2. Theo nhiều nhà đầu tư (NĐT), việc tăng giá của nhiều dự án BĐS còn có tác động của giới “cò” thông qua việc họ thỏa thuận với chủ đất để nâng giá bán trên giá ký gởi.
Trường hợp những người mua BĐS bằng tiền nhàn rỗi thì việc giá BĐS liên tục sụt giảm trong suốt năm 2008 đã khiến họ lỗ nặng. Bởi vậy, thay vì bán lỗ để lấy tiền, họ chấp nhận giữ luôn, mặc cho giá BĐS tăng hay giảm.
Thiếu lực hút từ nhà đầu tư
Trong điều kiện khan hàng, thị trường địa ốc còn nhanh chóng mất nhiệt do thiếu cầu. Rảo quanh nhiều chợ địa ốc như: Lương Định Của, Trần Não (Q2), Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh (Q9), Lê Văn Lương (Q7), QL50 (H. Bình Chánh) chúng tôi thấy tình trạng vắng khách khá phổ biến.
Giám đốc trung tâm môi giới trên đường Lương Định Của tiết lộ: “Thực tế thì sức cầu của thị trường chỉ xuất hiện trong tháng Giêng 2009. Nó cũng gây bất ngờ với giới “cò” vì thông thường rất ít người tìm mua đất trong tháng này. Sau thời gian đó tới nay thì việc tăng giá của nhiều dự án chỉ là mức tăng giá ảo. Theo vị giám đốc này thì BĐS có đặc tính rất riêng. Đó là, thị trường khởi sắc sẽ dẫn tới tình trạng người bán đua nhau tăng giá. Nếu cung tiền tăng thì việc ghim hàng, tăng mặt bằng giá sẽ tạo ra “cơn sốt”. Thị trường ấm nóng cục bộ trên địa bàn Q2, Q9 chủ yếu là do chịu ảnh hưởng bởi thông tin sẽ có một lượng tiền lớn từ việc bồi thường, hỗ trợ rót vào thị trường BĐS... nhưng đến nay việc giải ngân được tiến hành với tốc độ chậm đã khiến thị trường không thể tạo thành “cơn sốt giá” BĐS.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đồng Quang Hải - Giám đốc Công ty địa ốc EVA cũng chia sẻ: “Hầu hết những khách mua hồi đầu năm chính là những người có nhu cầu thật sự về chỗ ở. Một phần người đi mua đất, mua nhà là những người nằm trong diện bị giải tỏa phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng KĐT Thủ Thiêm được nhận tiền hỗ trợ trong đợt hỗ trợ vừa qua. Còn riêng những nhà đầu tư BĐS thật sự thì họ vẫn chưa vào cuộc bởi vì trên thực tế họ đang là những người nắm giữ phần lớn BĐS, chỉ có những người nào kẹt vốn hoặc cần tiền trả nợ ngân hàng thì mới chấp nhận bán lỗ. Thị trường do thiếu sức hút từ NĐT nên cũng đã chậm lại khá nhiều so với thời điểm cuối tháng 2-2009”.
Được biết, kết quả nghiên cứu về chỉ số giá BĐS của Công ty Vinaland cũng cho thấy mức tăng trên giá chào bán BĐS cũng đã chậm lại. Nếu như giữa tháng 2-2009 chỉ số giá căn hộ tăng tới 1,35% so với tuần trước đó thì giữa tháng 3-2009 chỉ số giá căn hộ chỉ tăng khoảng 0,41% và tiếp tục hạ xuống trong tuần này với mức 0,19%. Tương tự, chỉ số giá đất nền dự án cũng hạ đà tăng trên giá chào bán khoảng 0,50% so với đà tăng đạt được giữa tháng 2-2009.
DiaOcOnline.vn - Theo Công An TP.HCM
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: