Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã đưa ra những quy định mới về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; loại hình, số lượng và thời hạn sở hữu nhà ở của doanh nghiệp (DN) nước ngoài.
1. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2005 và Nghị quyết 19/2008/ QH12 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (sau đây gọi là Nghị quyết 19) còn hiệu lực đến hết ngày 30/6/2015, các tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
• Tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, để bán;
• DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.
Luật Nhà ở 2014 đã mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể, ngoài các tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam, các tổ chức sau được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm: DN có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài; quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là doanh nghiệp nước ngoài).
2. Loại hình nhà ở được quyền sở hữu của DN nước ngoài
Theo Luật Nhà ở 2014, DN nước ngoài được quyền mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị quyết 19, loại hình nhà ở mà DN nước ngoài được sở hữu chỉ bao gồm các căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại.
3. Số lượng nhà ở được sở hữu của DN nước ngoài
• DN nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản được sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được sở hữu không quá 250 căn nhà.
• Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì số lượng cụ thể căn hộ, nhà ở riêng lẻ mà DN nước ngoài được sở hữu sẽ được Chính phủ quy định.
• Trường hợp DN nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở vượt quá số lượng nêu trên thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó. Đây là điểm nổi bật trong chính sách về quyền sở hữu nhà ở của DN nước ngoài của Nhà nước khi quy định mở rộng loại hình nhà ở được sở hữu đối với đối tượng này.
4. Thời hạn sở hữu nhà ở của DN nước ngoài
Luật Nhà ở 2014 cơ bản vẫn giữ nguyên quy định về thời hạn sở hữu nhà ở của DN nước ngoài. Cụ thể, DN nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp, bao gồm cả thời gian được gia hạn; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận này.
Tuy nhiên, điểm mới so với Nghị quyết 19 là Luật Nhà ở 2014 đã chi tiết hóa việc xử lý nhà ở khi hết hạn ngay tại văn bản luật. Cụ thể, trước khi hết hạn sở hữu nhà ở, chủ sở hữu có thể tặng cho hoặc bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu quá thời hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không thực hiện bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc sở hữu nhà nước.
Công ty Luật PLF
DiaOcOnline.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: