Sáng 4-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến đầu tư xây dựng toàn quốc, với sự tham gia của các phó thủ tướng, các bộ ngành liên quan và 63 tỉnh thành trên cả nước.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (ảnh chụp tại đoạn qua P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM chiều 4-3) - Ảnh: Minh Đức |
Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ năm 2010 rất nặng nề, phải sử dụng có hiệu quả, sử dụng hết các nguồn vốn, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình. Theo Thủ tướng, cái khó đầu tiên là tìm được nguồn vốn nhưng khi có vốn rồi mà không sử dụng hết, vừa phải trả lãi, vừa để đồng tiền mất giá là không được.
Theo Thủ tướng, hiện nay nhiều khu vực cảng, nhiều tuyến đường giao thông đã quá tải, cần phải mở rộng, đầu tư xây mới. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư hạ tầng đang là một trong ba “điểm nghẽn” tác động rất lớn đến nền kinh tế, cần phải tháo gỡ để phát triển. Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cần rà soát cơ chế, xem còn gì vướng mắc để có hướng tháo gỡ. Đồng thời các bộ ngành xem có thể tiếp tục phân cấp cho các địa phương những lĩnh vực thuộc trách nhiệm mình quản lý, phân cấp cả quyền và trách nhiệm, với những tiêu chí rõ ràng. Quay sang Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Thủ tướng lưu ý: “Phải phân cấp cho bệnh viện mua sắm các thiết bị, không thể mỗi cái bệnh viện phải lên vụ, cục thì không ổn”.
Huy động mọi nguồn vốn để đầu tư
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010 đạt trên 791.000 tỉ đồng, bằng khoảng 41% GDP và tăng 12,3% so với năm 2009.
Không vì chuẩn bị đại hội Đảng mà ảnh hưởng đến đầu tư xây dựng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá việc vay vốn ODA đang thuận lợi hơn trước đây, làm sao phải sử dụng có hiệu quả, giải ngân nhanh để tranh thủ nguồn vốn ODA mới. Thủ tướng cũng cho rằng làm tốt công tác đầu tư xây dựng sẽ góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế cả nước, góp phần vào sự thành công của đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới. “Không vì chuẩn bị đại hội Đảng mà ảnh hưởng đến đầu tư xây dựng” - Thủ tướng nhắc nhở. |
Ông đánh giá đây là số vốn đầu tư rất lớn và việc giải ngân hết nguồn vốn này sẽ tác động rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của năm 2010. Trong số đó nguồn vốn ngân sách đầu tư cho năm 2010 là 125.500 tỉ đồng, số còn lại huy động từ các doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn từ khu vực tư nhân... Theo ông, mức đầu tư từ ngân sách nhà nước như trên là thấp hơn năm 2009 (do có nguồn vốn kích cầu) và điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đối với một số dự án lớn.
Nhìn lại việc triển khai đầu tư xây dựng qua hai tháng đầu năm, ông Phúc cho rằng tình hình triển khai nguồn vốn đầu năm khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn một số ngành, địa phương chưa phân giao vốn. Các giải pháp để huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội là rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó tăng cường công tác huy động vốn đầu tư phát triển trong và ngoài nước để bổ sung nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo các cơ chế phù hợp như BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hoặc hình thức đầu tư mới như PPP (hình thức đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân) cũng đang được chuẩn bị để xin thí điểm trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, vốn bố trí từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ trong năm nay thấp, chỉ bằng 75-76% so với năm trước nên cần hoàn thiện cơ chế và huy động vốn bằng nhiều hình thức cho đầu tư hạ tầng, đồng thời bên cạnh tháo gỡ khó khăn để giải ngân vốn ODA, ông cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh khai thác quỹ đất, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước để bổ sung vốn cho các dự án đầu tư.
Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng nên tăng cường đấu giá đất. Ông dẫn chứng: trước đây nguồn thu từ đất mỗi năm khoảng 8.000 tỉ đồng nhưng từ năm 2005 khi chuyển sang cơ chế đấu giá đất sạch (đã giải tỏa xong) đến năm 2009 nguồn thu này khoảng 40.000 tỉ đồng, tăng khoảng năm lần so với trước đó. Khoản thu này được để lại cho các địa phương để đầu tư các dự án, hỗ trợ người dân bị giải tỏa... Do vậy sắp tới cần tăng cường đấu giá quỹ đất và trích một phần từ nguồn thu này để thành lập quỹ phát triển đất, tạo ra quỹ đất sạch phục vụ việc đầu tư.
Về băn khoăn của một số bộ, địa phương trong việc chậm giải tỏa, tái định cư khiến dự án kéo dài, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đưa ra giải pháp: các địa phương nên ứng vốn trước từ việc khai thác quỹ đất để đền bù, xây dựng các khu tái định cư để khi dự án triển khai có chỗ tái định cư cho dân ngay như một số địa phương đã làm.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết TP đang chuẩn bị triển khai các dự án cầu Sài Gòn 2, cầu đường Nhơn Trạch và tuyến xe điện mặt đất số 1 Sài Gòn - Chợ Lớn - bến xe miền Tây với tổng vốn đầu tư gần 800 triệu USD. Để có vốn đầu tư cho các dự án này, ông Tài kiến nghị trung ương hướng dẫn hình thức phát hành trái phiếu từ tổ chức kinh tế tư nhân (Công ty cổ phần BOT Phú Mỹ - PV) ra thị trường quốc tế với sự bảo lãnh của Chính phủ.
Theo ông Tài, Luật quản lý nợ công đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 và áp dụng theo quy định này có thể xem xét bảo lãnh cho tổ chức tư nhân phát hành trái phiếu. “Nếu có thêm kênh huy động vốn này sẽ giải quyết một phần bức xúc về vốn cho đầu tư các dự án hạ tầng” - ông Tài nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đề xuất trên nhưng cho biết với các doanh nghiệp nhà nước, việc bảo lãnh phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế phải đảm bảo một số điều kiện nhất định. Do vậy với mô hình mới trên cần được nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính pháp lý.
Ưu tiên vốn cho các dự án hoàn thành năm nay
Cho biết trong năm qua tỉnh đã triển khai được nhiều dự án hạ tầng, tiến độ giải ngân vốn tốt... nhưng chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Đức Đam vẫn than phiền nhiều về thủ tục hành chính: theo quy định hiện hành, từ khi đầu tư đến khi hoàn thành dự án phải trải qua 12-18 con dấu. Thực hiện đề án 30 của Chính phủ (về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010), tỉnh đã rà soát trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có 412 thủ tục, trong đó đề xuất 78% thủ tục cần có sự điều chỉnh hợp lý. Theo ông Đam, trong thời gian chờ điều chỉnh tỉnh vẫn áp dụng 12-18 con dấu, nhưng thời gian “đi” của mỗi con dấu sẽ được rút ngắn hơn bằng việc mời các sở ngành cùng dự và quyết định tại chỗ, quyết định trong ngày.
Thủ tướng đánh giá năm 2009 cả nước huy động được nguồn vốn đầu tư toàn xã hội rất lớn dù kinh tế tăng trưởng chậm hơn các năm trước. Ngoài ra việc giải ngân cũng thực hiện khá tốt. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả này và làm tốt hơn nữa trong năm nay. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần rà soát việc phân bổ vốn năm 2010 để triển khai sớm các dự án và sử dụng đúng mục đích. Thủ tướng yêu cầu phải khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nên tập trung vốn cho các dự án ưu tiên hoàn thành trong năm nay.
Tiến độ triển khai nhiều dự án chậm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết trong năm 2009 ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khá cao, khoảng 704.000 tỉ đồng, bằng 42,8% GDP, so với kế hoạch đề ra là 39,5% và tăng 15,3% so với năm 2008. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, tạo ra việc làm, thu nhập cũng như lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho những năm sau. Tuy nhiên, theo ông Phúc, có thực tế nhiều dự án nhà tài trợ sẵn sàng về nguồn vốn nhưng tiến độ triển khai rất chậm nên chưa được giải ngân.
Theo kế hoạch phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010, các dự án ngành giao thông là 28.800 tỉ đồng, trong đó Bộ Giao thông vận tải 12.300 tỉ đồng, địa phương 13.300 tỉ đồng... Các dự án ngành thủy lợi 13.600 tỉ, trong đó Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 4.000 tỉ đồng, địa phương 9.600 tỉ đồng... Các dự án ngành y tế 5.600 tỉ đồng, các dự án ngành giáo dục 6.500 tỉ đồng...
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: