Top

Thành phố đôi bờ - cư dân Hà Nội được gì?

Cập nhật 27/09/2007 11:00

Từ góc độ nhìn nhận của công dân Hà Nội, một bạn đọc gửi tới bài viết chỉ ra những lợi ích của dự án sẽ đem lại, đồng thời chia sẻ nhiều băn khoăn bên lề.

"Là công dân Hà Nội, tôi rất quan tâm tới những dự án phát triển đô thị Hà Nội, nay đuợc chứng kiến cuộc trình diễn dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển Sông Hồng, đoạn qua Hà Nội”, tôi cũng có vài điều mong muốn được trao đổi với các bạn quan tâm".

Dự án đem lại những gì cho cư dân Hà Nội?


Cuộc triển lãm “Quy hoạch cơ bản phát triển Sông Hồng, đoạn qua Hà Nội ” tại 45 Tràng Tiền luôn đông nghịt ngưòi vào xem, có rất nhiều ngưòi đến từ lúc của chưa mở.

Không ít người đến với nhiều lo lắng băn khoăn, lo lắng. Những lo ngại này là có cơ sở: cách đây không lâu khi dự án Siputra trưng bầy mô hình với thảm cỏ xanh mướt, sân gôn sang trọng, đây đó những mái nhà tí xíu ai nhìn cũng thích.

Vài năm sau, trải qua bao trắc trở dự án cũng từng bước thực hiện, đến nay nó cũng sắp hoàn thành. Trên cái nền vườn đào năm xưa nay rào kín, nhà cửa san sát. Chẳng biết cư dân trong đó là những ai, chỉ thấy góc này là cái cổng “chà và”, hướng kia là mái lớn với mấy con ngựa đang lồng lên tung vó, bảo vệ nai nịt chỉnh tề trực suốt ngày đêm (nghe đâu người ở trong đó có lần tổ chức đám cưới mà bảo vệ cũng không cho xe vào đón dâu…) nên bà con ta cũng hãi không dám vào.

Vốn là người lạc quan, lại không ở trong khu vực dự án, nên tôi chỉ thấy những cái lợi của dự án đem lại

Lợi ích thứ nhất là phát triển giao thông và không gian công cộng

Những ngày đầu tháng 9/2007, Hà Nội tắc đường liên miên và chắc là tình trạng này ngày càng trầm trọng. Đại dự án thể hiện 2 trục giao thông ven sông (8 làn xe và 4 làn xe), 2 trục tuy nen ngầm, 8 cây cầu vắt qua sông và vô số đường ngang đấu nối vào hệ thống giao thông này thì nạn ùn tắc giao thông sớm đựơc giải quyết - chỉ riêng lý do này thôi theo tôi dự án này đã là rất cần sớm thực hiện.

Tuy vậy, tôi thấy băn khoăn một điều là Dự án chưa đề cập đến việc liên kết với các tuyến vượt ngầm dưói sông cho tầu điện ngầm và đường sắt trên cao (hay là trong tương lai gần Hà Nội chưa cần đến?)

Còn nữa, trong khi đào bới, xử lý nền móng, đề án chưa đề cập đến những không gian tận dụng trong lòng đất, nơi giao cắt các trục giao thông để làm bãi đỗ xe ngầm, ga trả đón khách của các tuyến xe buýt, ga tầu hoả và các không gian dịch vụ công cộng.

Mô hình này rất hữu dụng tại các quốc gia phát triển: Ga tầu điện ngầm lớn thường liên kết với các tuyến khác (khác tầng nhau) liên kết cả với tuyến tầu hoả đi ngầm xuyên qua thành phố, hành khách có thể gửi đồ, gửi xe hay mua hàng tại các siêu thị ngầm gắn liền với các ga ngầm này….

Tổ chức tốt các không gian dịch vụ công cộng ngầm dưới đất còn giải quyết được nạn hàng rong vỉa hè chợ cóc tràn lan như hiện nay, để dành lại mặt đất xanh tươi sạch sẽ.

Lợi ích thứ hai là tiếp cận với tiến bộ về kỹ thuật - công nghệ


Có nhiều lo ngại về giải pháp chỉnh trị dòng sông. Nỗi ám ảnh có từ lâu, ngay từ khi Paul Doumer quyết định xây cầu Long Biên, nhiều ngưòi Việt và Pháp cho rằng không thể thực hiện được: "Thật điên rồ, một con sông rộng như biển, sâu hơn 20m cộng thêm 8 m dâng lên vào mùa lũ, lòng sông luôn thay đổi, bồi chỗ này lở chỗ kia. Một con sông như vậy không thể thuần hoá, chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ trong lòng sông đầy sóng mạnh và không gì chống đỡ nổi …”.

Thế nhưng chỉ sau 3 năm 7 tháng (tiến độ đặt ra là 5 năm), cây cầu đã hoàn thành với chi phí thấp hơn dự toán (Theo Paul Boudet-1949).

Giải quyết vấn đề chỉnh trị dòng sông là một vấn đề khó nhưng lại là một cơ hội để chúng ta tiếp cận công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Thực tế có nhiều dự án phức tạp tại những nước quanh ta, họ đã đạt kết quả tốt: Đập Tam Hiệp trên Dương Tử (Trung Quốc); Đường ống bê tông có đường kính 32m làm giao thông kết hợp với sông ngầm chống úng ngập chạy xuyên qua thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) …

Nếu khả năng ta chưa tự giải quyết đựơc thì việc hợp tác chuyển giao công nghệ hiện nay là việc dễ dàng. Qua hợp tác, chúng ta có cơ hội trưởng thành và dày dạn kinh nghiệm để sẵn sàng đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn.

Lợi ích thứ ba là cơ hội thay đổi cuộc sống

Đại dự án di dời 35.000 hộ tương đương 170.000 ngưòi, thật đáng lo ngại. Vấn đề này lại trở thành bình thường nếu chủ dự án đặt ra mục tiêu là làm sao để số lượng dân cư này có cơ hội giầu có hơn.

Thông tin Dự án dự kiến kinh phí đền bù 1,7 tỷ USD có thể là chủ quan.

Lượng hoá bằng tiền khi đền bù và tạo cơ hội cho các cư dân tự do lựa chọn mua nhà d ự án (không khống chế vị trí, diện tích) ; họ cũng được tự do tham gia đầu tư cổ phần vào các công trình sinh lợi trong dự án. Như vậy ngay từ đầu đã có ít nhất 35.000 nhà đầu tư tiềm năng.

Lợi ích thứ tư là cơ hội đầu tư của từ nhiều nguồn trong xã hội

Thực tế cho thấy các cuộc thi phương án kiến trúc Nhà Quốc Hội và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, có đơn vị đã đầu tư tới 120.000 USD (gần 2 t ỷ VND) để lập thiết kế, mô hình dự thi. Nhiều nhà đầu tư còn mạnh dạn tìm nơi để làm Disneyland Hà nội.

Như vậy, sự đảm bảo tài chính dự án có khả thi hay không là ở các tác giả có đưa ra được cơ cấu đầu tư và phương thức huy động vốn phù hợp .

Để thể hiện băn khoăn của mình, xin dẫn lời nhận xét của TS Laurent Pandolfi, một ngưòi Pháp đã có nghiên cứu về các dự án quy hoạch Hà nội 10 năm trở lại đây, sau khi phân tích những khía cạnh khác nhau của dự án Bắc Thăng Long, Siputra, tác giả chỉ ra rằng kinh nghiệm tại Hà nội đã cho thấy tính bấp bênh của sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tư nhân nước ngoài. Với tổng đầu tư quá lớn đòi hỏi Nhà nước phải biết thu hút các nguồn vốn qua cơ cấu và thủ tục hành chính, nhằm tạo ra nhiều lợi thế nhất cho việc mở cửa đầu tư nứơc ngoài (và trong nước). Điều này đòi hỏi một trình độ phát triển không những về kinh tế mà còn về thể chế…

Việc thực hiện các dự án đô thị mới tại các nước Đông Nam Á chính là “bài thi” để gia nhập vào hàng ngũ các nước công nghiệp mới..”.

>> Lời giải cho ý tưởng

Theo TuanVietNam