Top

Tê tái... tái định cư

Cập nhật 25/08/2014 08:22

Cụm từ “nhà tái định cư” đã trở thành cơn ác mộng của nhiều gia đình có đất bị thu hồi để phục vụ mục đích công cộng, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Khu nhà tái định cư Đồng Tàu tuy mới đi vào hoạt động cách đây khoảng 5 - 6 năm, nhưng đã bị xuống cấp trầm trọng (Ảnh: Internet)

Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2000 đến nay, để phục vụ cho các dự án phát triển mở rộng Thủ đô, TP. Hà Nội đã triển khai 80 dự án nhà ở tái định cư với trên 20.000 căn hộ. Trong đó, đã hoàn thành trên 12.000 căn và đưa vào sử dụng gần 11.000 căn. Có thể nói, chính sách hỗ trợ nhà tái định cư đã giúp nhiều hộ dân có chỗ ở, ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi nhà, đất.

Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, nhiều người dân thờ ơ với nhà tái định cư, thậm không ít người còn ngần ngại, không thiết tha nhận nhà. Lý do là bởi sự ám ảnh về những khu nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng, hạ tầng kỹ thuật liên tục hỏng hóc, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ… Điển hình như nhà tái định cư NO6 trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, Khu tái định cư Đồng Tàu, Khu tái định cư Đền Lừ…

Nhiều người đã chua chát khi so sánh kiểu "con đẻ - con nuôi", bởi thấy cuộc sống của các cư dân tái định cư gặp quá nhiều bất công so với các tòa nhà chung cư khác.

Lý giải nguyên nhân các khu nhà tái định cư nhanh xuống cấp, các chuyên gia trong ngành xây dựng cho biết, vì lâu nay, các khu nhà tái định cư được xây dựng theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, bất kể chất lượng thế nào cũng được chấp nhận để đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hầu hết các khu tái định cư không có chủ quản lý đích thực sau khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Công ty Quản lý và phát triển nhà quản lý, vận hành.

Để chấn chỉnh thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2013/ NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư và có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2013. Theo đó, những khiếm khuyết của pháp luật về nhà tái định cư cơ bản đã được khắc phục. Các doanh nghiệp khi tham gia xây nhà tái định cư cũng bị ấn định lợi nhuận định mức tối đa từ 10 - 15%.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai, một số doanh nghiệp mới “té ngửa” khi biết rằng, theo Nghị định 84, người có đất bị thu hồi có quyền lựa chọn thuê, thuê mua, mua nhà tái định cư hoặc nhà xã hội trên địa bàn.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo 1 doanh nghiệp đang triển khai xây dựng dự án nhà tái định cư tại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà tái định cư theo chỉ định của Thành phố, vừa bị khống chế về lợi nhuận, lại vừa không được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, trong khi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lại được miễn tiền sử dụng đất và miễn, giảm nhiều loại thuế khác.

“Quy định như vậy thì còn ai dám xây dựng nhà ở tái định cư nữa. Với việc được miễn tiền sử dụng đất và giảm nhiều loại thuế, thì giá nhà ở xã hội sẽ thấp hơn từ 10 - 20% so với nhà tái định cư, nên nhà tái định cư chỉ có nước chết”, vị lãnh đạo doanh nghiệp than thở và kiến nghị, nếu người bị thu hồi đất có thể chọn mua nhà ở xã hội, thì nên bỏ luôn chương trình xây nhà tái định cư.

Khái niệm nhà tái định cư còn bị ác cảm đến mức, tại 1 hội thảo do Ngân hàng Thế giới tài trợ diễn ra tại Hà Nội hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, có thể phải bỏ khái niệm này ra khỏi các văn bản pháp quy để thay thế bằng một cách gọi khác có thiện cảm hơn.

Với quy định cho phép người bị thu hồi đất được lựa chọn giữa nhà tái định cư và nhà xã hội, thì lợi thế rõ ràng đang thuộc về nhà ở xã hội, bởi nhà tái định cư đang có những định kiến, trong khi giá lại cao hơn nhà ở xã hội.

Từ thực tế trên, có lẽ các cơ quan chức năng đúng là nên tính đến việc xóa bỏ một khái niệm đầy tai tiếng “nhà tái định cư” như đề nghị của lãnh đạo Bộ Xây dựng.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản