Công nghệ đường sắt Shinkansen của Nhật Bản được lựa chọn cho đường sắt cao tốc Bắc Nam. Ảnh: T.L. |
Ngày 15-9, Tổng Công ty Đường sắt VN (VR) phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu đầu máy toa xe Nhật Bản tổ chức hội thảo nghiên cứu về đường sắt cao tốc Bắc Nam. Đây là hội thảo lần thứ 4 được tổ chức để lấy ý kiến cho đề án xây dựng tuyến đường sắt quan trọng này.
Theo phương án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đơn vị thực hiện dự án nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống GTVT ở VN, tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM dài 1.570 km, gồm 26 ga. Thời gian bắt đầu khai thác từ năm 2026, vốn đầu tư khoảng 38 tỉ USD. Tuyến đường cho phép vận tốc chạy tàu lên đến 300 km/giờ. Khi đó, thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến TPHCM chỉ còn 5 giờ 30 phút thay vì gần 30 giờ như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Iwata Shizuo, Trưởng Đoàn nghiên cứu JICA, nếu bắt đầu khai thác tuyến đường sắt này từ năm 2026, doanh thu từ giá vé sẽ không bù đắp được chi phí đầu tư.
Phương án khả thi hơn là khai thác sau năm 2036 cộng với nỗ lực đẩy nhanh phát triển đô thị dọc tuyến để thu hút hành khách đi tàu. JICA cũng đưa ra khả năng phân kỳ đầu tư từng đoạn, trong đó ưu tiên đoạn Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội- Vinh, Huế - Đà Nẵng, TPHCM- Phan Thiết, TPHCM – Nha Trang và khai thác vào năm 2020.
Như vậy, các đoạn Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang có tính khả thi về kinh tế cao hơn so với phát triển toàn tuyến nhưng vẫn không khả thi về chi phí đầu tư ban đầu. Theo kết luận của JICA, tính khả thi về tài chính của tất cả các phương án đều rất thấp.
Không nhất trí với kết luận này, ông Nguyễn Hữu Bằng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VR, cho rằng ngoài tính khả thi về mặt kinh tế phải tính đến các hiệu quả về mặt xã hội rất lớn của dự án.
Theo tính toán, đường sắt cao tốc sẽ thu hút được 26% lượng hành khách lưu thông; số người chết vì tai nạn sẽ giảm đi do tính an toàn của đường sắt cao tốc. Ông Bằng cho biết phương án huy động vốn cho dự án này là Nhà nước đầu tư 82%, phần còn lại được huy động từ các thành phần kinh tế khác.
Viện Nghiên cứu Nomura của Nhật Bản chia sẻ: Cần xác định rõ vai trò của tư nhân và Nhà nước để tiến hành huy động nguồn vốn đầu tư đối với dự án có quy mô lớn như đường sắt cao tốc. Nhiều nước châu Âu đã áp dụng phương thức nhà nước và tư nhân hợp tác rất thành công, VN cần tham khảo.
Tuy nhiên, muốn tận dụng được nguồn vốn tư nhân thì không nên thực hiện quản lý tổng thể dự án mà nên tách riêng từng phần. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải chuẩn bị đầy đủ về mặt pháp lý để thực thi dự án.
Về mặt kỹ thuật, VN thống nhất lựa chọn công nghệ đường sắt Shinkansen của Nhật Bản. Đây là công nghệ đường sắt thuộc loại hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Tại hội thảo, phía JICA khẳng định hiệu quả kinh tế vẫn là tiêu chí quan trọng tạo sự đồng thuận trong nhân dân để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam. Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ của dự án để trình lên Chính phủ, sau đó xin ý kiến Quốc hội về chủ trương đầu tư vào tháng 5-2010.
“Hạ cấp” đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Hơn 14 tỉ đồng khắc phục lún
Cục Đường bộ VN vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét tháo dỡ biển báo “đường cao tốc” trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi hoàn tất rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên cả nước theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT. Được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc nhưng khi đưa vào sử dụng, Pháp Vân – Cầu Giẽ có nhiều hạng mục không đạt yêu cầu.
Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng vừa công khai kết quả kiểm toán dự án đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cửa ngõ phía Nam Hà Nội vào TPHCM, trong đó phát hiện nhiều sai phạm.
Trên toàn tuyến đã xảy ra hiện tượng lún kéo dài. Do hạn chế trong khảo sát thiết kế và thi công, khi đưa vào sử dụng năm 2002, đường này vẫn tiếp tục lún, chỉ riêng việc khắc phục hậu quả đến năm 2007 đã tiêu tốn hơn 14,4 tỉ đồng.
Theo KTNN, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá chất lượng công trình chưa đạt yêu cầu. Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa đạt những chỉ tiêu thiết kế ban đầu do tình trạng lún không đều dẫn đến mặt đường không bằng phẳng. Sắp tới, đường ngang N5 đã hư hỏng sẽ phải phá đi làm lại toàn bộ.
KTNN nhận xét công tác lập, thẩm định dự án đầu tư chưa được nghiên cứu đầy đủ, không lường hết các yêu cầu và sự phát triển của địa phương có tuyến đường đi qua nên tổng mức đầu tư phải điều chỉnh 3 lần, lần thứ 3 gấp hơn 2 lần tổng mức đầu tư ban đầu.
Thiết kế kỹ thuật chưa tính hết những điều kiện cần thiết để bảo đảm ổn định công trình dẫn tới hiện tượng lún. KTNN đã yêu cầu giảm chi phí đầu tư đề nghị quyết toán đoạn Hà Nội - Thường Tín hơn 14,5 tỉ đồng; đoạn còn lại từ Thường Tín đi Cầu Giẽ cũng phải giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện hơn 6,3 tỉ đồng.
KTNN yêu cầu Bộ GTVT kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra các sai sót, tồn tại; khẩn trương khắc phục các tồn tại về chất lượng công trình.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: